MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tín nhiệm thấp” để đến kỳ họp sau mới xử lý thì quá dài“

13-06-2014 - 17:23 PM | Xã hội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Rinh băn khoăn khi đề cập việc sửa Nghị quyết 35 của Quốc hội.

Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn từ khi được ban hành đã được triển khai lần đầu tiên ở kỳ họp thứ 5 và được dư luận nhìn chung đánh giá tốt. 

Tuy nhiên, nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, quy trình, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII vấn đề sửa đổi Nghị quyết 35 được đặt ra.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội.

PV:Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội muốn sửa Nghị quyết 35, theo ông nên sửa như thế nào cho hợp lý, để tăng tính răn đe, cảnh tỉnh, như ý kiến của Tổng Bí thư?

Ông Nguyễn Văn Rinh: Chiều 13/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường việc sửa đổi Nghị quyết 35 của Quốc hội. Sau lần đầu tiên thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, chưa tạo sự đồng thuận cao trong Quốc hội về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm.

Việc sửa đổi Nghị quyết 35 lần này theo tôi là tương đối cơ bản. Tôi tán thành với nội dung sau một kỳ lấy phiếu tín nhiệm nên có sơ kết và sửa đổi. Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn, theo tôi chỉ nên lấy 2 đối tượng: cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Hai cơ quan đó thuộc quyền giám sát của Quốc hội và cần phải quản lý chất lượng đội ngũ cán bộ này. Còn người do Quốc hội bầu ra, quyền giám sát tối cao là của nhân dân nên Quốc hội không cần phải lấy phiếu tín nhiệm. Thực tế, đội ngũ cán bộ này qua lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên tôi thấy tỷ lệ phiếu rất cao so với cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp.

Về mức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, tôi tán thành việc giữ nguyên 3 mức, bởi việc lấy phiếu khác với bỏ phiếu, có tính răn đe, cảnh tỉnh với đối tượng Quốc hội cần phải giám sát.

PV:Trong lần sửa đổi này, có nhiều ý kiến đề nghị mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy 1 lần; có ý kiến đề nghị trong một nhiệm kỳ nên lấy mỗi năm một lần, có ý kiến đề nghị nên lấy 2 lần trong một nhiệm kỳ. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Rinh: Nghị quyết 35 quy định việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm. Tôi nghĩ rằng việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với những cơ quan hành pháp và lập pháp, kể cả tư pháp là nhiều, không cần thiết. Tôi tán thành sửa đổi theo hướng một nhiệm kỳ lấy 2 lần, lần thứ nhất có thể vào năm thứ hai để sau 1-2 năm làm việc, xem cán bộ đó bộc lộ năng lực ra sao, để cán bộ đó có thời gian 3 năm tiếp theo phấn đấu và làm tốt chức trách của mình. Lần thứ 2 có thể lấy vào năm thứ 4 để khẳng định vị trí của cán bộ đó, làm tốt hay không tốt, trách nhiệm của cán bộ đó trong nhiệm kỳ ra sao.

PV:Quốc hội lần này sửa Nghị quyết 35 tuy nhiên trong Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi đang được bàn thảo tại kỳ họp này cũng có mục bỏ phiếu tín nhiệm. Giữa Luật Tổ chức Quốc hội và Nghị quyết 35 có vênh nhau không, theo ông nên bỏ phiếu hay lấy phiếu?

Ông Nguyễn Văn Rinh: Hai lĩnh vực khác nhau, bỏ phiếu tín nhiệm - đã được Hiến pháp quy định những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn, khi không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình, hoặc ở mức thấp thì phải bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu đa số phiếu không tín nhiệm thì người đó phải từ chức, phải thôi công việc. Còn lấy phiếu tín nhiệm, là hình thức thăm dò mức độ tín nhiệm đối với cán bộ đó.

PV:Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm không cần phải có đủ 20% số đại biểu đồng ý, mà có 1 đại biểu đồng ý được Quốc hội phê chuẩn thì cũng có thể lấy phiếu tín nhiệm. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Rinh: Nếu chỉ có 1-2 đại biểu yêu cầu phải lấy phiếu tín nhiệm hoặc bỏ phiếu tín nhiệm mà làm ngay theo tôi chưa thật công bằng. Tôi tán thành phương án lấy phiếu tín nhiệm phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu; đồng thời phải có tối thiểu 20% số đại biểu ủng hộ. Tuy nhiên tôi cũng hơi phân vân ai sẽ đứng ra tập hợp được 20% số đại biểu. Về vấn đề này Quốc hội cần nghiên cứu thêm cho hợp lý.

PV:Trong những nội dung được sửa đổi ở Nghị quyết 35, còn những vấn đề gì ông chưa tán thành hoặc còn băn khoăn?

Ông Nguyễn Văn Rinh: Tôi không tán thành nội dung lấy phiếu tín nhiệm 1 nhiệm kỳ một lần. Điều tôi băn khoăn là với những người có hơn 2/3 số đại biểu không tín nhiệm hoặc tín nhiệm thấp thì phải bỏ phiếu tín nhiệm ngay hoặc cán bộ đó phải từ chức mà lại để đến kỳ họp sau mới làm thì quá dài.

PV:Xin cảm ơn ông.

>>>Một đại biểu cũng có thể đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm nếu được Quốc hội chấp thuận


Theo Thanh Hà

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên