MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn chuyện trốn đóng BHXH

22-04-2015 - 11:42 AM | Xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi 2014 sẽ có hiệu lực thi hành vào năm 2016. Luật sửa đổi lần này đã đánh dấu một bước tiến trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về BHXH.

Đây là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Xét trên bình diện chung, Luật BHXH 2014 hoàn thiện hơn, quy định rõ ràng hơn đối với người sử dụng lao động cũng như người trực tiếp tham gia BHXH…

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tăng bình quân khoảng 5%/năm nhưng vẫn thấp hơn so với số thực tế và tốc độ tăng chưa đáp ứng được yêu cầu. Số người tham gia BHXH tự nguyện còn quá thấp so với tổng số đối tượng thuộc diện tham gia.

Cụ thể, đến cuối năm 2014, tổng số người tham gia BHXH là 11.647.784 người, tăng 590.356 người (tăng 5,34%) so với năm 2013. Trong đó, có 11.451.530 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,16%; 196.254 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 16,8%.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến việc người lao động không được hưởng lợi từ việc tham gia BHXH, như người sử dụng lao động trích lập tiền BHXH của người lao động nhưng tìm cách trốn hoặc không đóng BHXH cho người lao động…

Mới đây, hồi chuông báo động về thực trạng này một lần nữa lại được gióng lên tại hội thảo khu vực miền Trung về những triển vọng và thách thức trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, được Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Hiện tượng trốn đóng BHXH xảy ra phổ biến ở hầu hết các địa phương. Đơn cử như Công ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế Nibelc, công ty này là một trong những DN vừa bị phát hiện trốn đóng BHXH cho người lao động trong thời gian qua.

Chỉ đến khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại Dự án Cảng Sơn Dương Formosa (Hà Tĩnh) thì DN này mới đến BHXH Ninh Bình để đăng ký nộp bổ sung BHXH cho 770 công nhân từ tháng 1 đến tháng 3/2015. Nhưng các công nhân gặp tai nạn tại công trường thì lại không nằm trong danh sách lao động được đóng BHXH...

Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến trốn đóng BHXH là do công tác quản lý DN và người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên liên tục; theo dõi xử lý sau thanh tra, kiểm tra chưa triệt để, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe; hành vi trốn đóng BHXH chưa được coi là tội phạm hình sự…

Mục đích của Luật BHXH (sửa đổi) là nhằm mục đích đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, đảm bảo đời sống của người lao động khi về già; nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động đối với việc tham gia BHXH…

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, làm thế nào để đến năm 2020 phát triển thêm 13,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 2,8 triệu người tham gia BHXH tự nguyện là một thách thức rất lớn không chỉ với ngành BHXH.

Ông Lợi cho biết thêm, Luật BHXH (sửa đổi) sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai, như làm sao để tăng cường tuân thủ tham gia bảo hiểm bắt buộc; bố trí ngân sách Nhà nước thế nào để hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhằm tạo cơ chế khuyến khích người lao động khu vực không có quan hệ lao động tham gia BHXH.

Với nhiều chính sách mới được sửa đổi, bổ sung, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, Công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, cơ quan BHXH, chính quyền các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan phải tăng cường phổ biến, thông tin tuyên truyền về Luật BHXH (sửa đổi) nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, thúc đẩy thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia.

Bên cạnh đó, cần cải cách công tác quản lý BHXH cũng như thủ tục tham gia và thụ hưởng BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra để giảm mạnh số tiền nợ đọng hoặc những hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH…

>>>Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội: Luật sư phân tích “thiệt, hơn”

Theo Thái Hòa

PV

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên