MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vào Quốc hội mà chỉ ngồi nghe thì tác dụng gì?

02-03-2016 - 08:14 AM | Xã hội

“Nếu anh vào Quốc hội mà không có năng lực, chỉ ngồi nghe và không nói được gì thì chẳng có tác dụng. Thà rằng suất đó anh để lại cho người khác có năng lực sẽ tốt hơn cho cái chung”, ông Đinh Xuân Thảo nói về chất lượng đại biểu Quốc hội.

Khó đạt tỷ lệ 10% đại biểu ngoài Đảng?

Trao đổi với PV, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cơ cấu đại biểu ngoài Đảng nhiệm kỳ này khoảng 10%, tương đương 50 đại biểu. Tuy nhiên, theo ông Phúc, để đạt được con số này rất khó. “Những người ưu tú, xuất sắc được cử tri tín nhiệm lại đa số đã là đảng viên. Đối với những thành phần đang phấn đấu vào Đảng, chủ yếu là những người trẻ tuổi, trong quá trình ứng cử chưa vào, nhưng cũng có thể đến khi trở thành đại biểu Quốc hội lại trở thành đảng viên”, ông Phúc lý giải.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho biết, trong Hiến pháp cũng như trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hay Luật Bầu cử đều không có quy định nào hạn chế, phân biệt đảng viên với người ngoài Đảng. Theo ông Thảo, trên thực tế ngay quy định “người tiêu biểu xuất sắc” xứng đáng trong các lĩnh vực thì họ đã là những cán bộ đảng viên.

“Tuy nhiên, người ngoài Đảng cũng có những cán bộ rất có trình độ, năng lực, nhất là trong giới khoa học, ví dụ như đại biểu Dương Trung Quốc, người có trình độ chuyên môn rất sâu. Những người như vậy rất cần tham gia Quốc hội. Hay với những đại biểu trẻ tuổi, cần thời gian tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, tuy chưa đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng họ có đủ phẩm chất, tiêu chuẩn để trở thành đảng viên. Những người đó cũng cần thiết đưa vào Quốc hội”, ông Thảo phân tích.

Vậy số lượng đại biểu ngoài Đảng tham gia Quốc hội bao nhiêu là vừa? Ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, điều này cần phải tính toán, cân nhắc kỹ.

Không nói được thì nên nhường suất cho người khác

Tổng số đại biểu tại nhiệm kỳ này là 500 người, không thể thay đổi. Số đại biểu ở địa phương không thể giảm đi, trong khi đó lại tăng thành phần đại biểu chuyên trách, do vậy cần giảm bớt đại biểu ở một số đơn vị khác ở Trung ương. Theo ông Thảo, từ trước đến nay, không phải bộ trưởng, trưởng ngành nào cũng nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội, vì thế có thể vị bộ trưởng này đã tham gia khóa này thì khóa sau có thể thôi.

Xử lý mối quan hệ giữa yêu cầu về năng lực, chất lượng và cơ cấu trong Quốc hội xưa nay không phải điều đơn giản. Quốc hội cũng như HĐND là cơ quan dân cử, muốn hay không muốn vẫn phải đảm bảo tính đại diện cho nhân dân. Nhưng trong nhân dân lại có nhiều thành phần, tầng lớp nên càng nan giải.

“Người ngoài Đảng cũng có những cán bộ rất có trình độ, năng lực, nhất là trong giới khoa học, ví dụ như đại biểu Dương Trung Quốc, người có trình độ chuyên môn rất sâu. Những người như vậy rất cần tham gia Quốc hội”.

Ông Đinh Xuân Thảo

“Việc giải quyết giữa cơ cấu và chất lượng, nhiệm kỳ này xác định vẫn phải đảm bảo vừa cơ cấu vừa chất lượng, nhưng chất lượng vẫn đặt lên hàng đầu. Nếu anh vào Quốc hội mà không có năng lực, chỉ ngồi nghe và chẳng nói được gì thì sẽ chẳng có tác dụng. Thà rằng suất đó anh để cho người khác có năng lực sẽ tốt hơn cho cái chung”, ông Thảo nói.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định sẽ không vì cơ cấu mà làm ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu.

Rút kinh nghiệm từ hai đại biểu bị bãi nhiệm

Để nâng cao chất lượng đại biểu, ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, tất cả những người được giới thiệu ứng cử cũng như người tự ứng cử cần phải được xem xét chặt chẽ, kỹ càng theo quy định của pháp luật, nghĩa là phải bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người được giới thiệu đang làm ở các cơ quan Nhà nước, đã trải qua quy trình rất chặt chẽ, còn người tự ứng cử thì chưa được sàng lọc, do vậy cần phải thẩm định kỹ khi đưa vào hiệp thương.

“Rút kinh nghiệm khóa XIII có hai đại biểu bị bãi nhiệm. Một người liên quan lý lịch khai không rõ ràng. Điều này do khâu thẩm tra lý lịch, tìm hiểu quá trình công tác hoạt động chưa tốt. Còn một đại biểu Hà Nội cũng tự ứng cử. Đại diện cho doanh nghiệp vào QH, lẽ ra phải làm ăn đúng pháp luật, nhưng đằng này lại là chủ doanh nghiệp yếu kém, không trung thực... Đến trước bầu cử lại bỏ tiền ra quảng bá quá đà”.

Rút kinh nghiệm từ hai trường hợp tự ứng cử bị bãi miễn, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, sau khi đã hoàn tất số đại biểu ứng cử là cả một quy trình thẩm định, xem xét rất chặt chẽ. “Quy trình phải công bằng, không thể coi nhẹ người tự ứng cử và khâu thẩm tra lần này phải rất kỹ lưỡng”, ông Phúc khẳng định.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên