MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao kiện toàn sớm nhân sự cấp cao?

04-04-2016 - 10:28 AM | Xã hội

Kết quả Đại hội Đảng lần thứ XII như chuyển giao thế hệ, nhiều vị trí không tái cử nên cần sớm kiện toàn.

Việc kiện toàn nhân sự cấp cao tại Kỳ họp 11 xác định các vị trí được bầu và phê chuẩn là của Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Việc này đã có tiền lệ như ở khóa X, XI và chỉ khác là số lượng lần này nhiều hơn.

Trước đây, thời gian diễn ra Đại hội Đảng với bầu cử Quốc hội khóa mới cách xa nhau cả năm, dẫn đến việc kiện toàn bộ máy gặp trở ngại. Do đó, từ khóa XII, Quốc hội quyết định rút ngắn khoảng cách này. Hơn nữa, kết quả Đại hội Đảng lần thứ XII như chuyển giao thế hệ, với nhiều vị trí không tái cử nên cần sớm kiện toàn.

Sau đại hội vừa rồi, nhiều đồng chí đến tuổi nghỉ, không tiếp tục tham gia và đại hội bầu ra người mới nên nếu Quốc hội không bầu kịp thời thì sẽ có độ trễ, thời gian gián đoạn kéo dài. Việc chuyển giao quyền lực nếu chờ đến sau bầu cử và tới tháng 7 Quốc hội khóa mới họp phiên đầu tiên thì mất hết 3 quý.

Năm cuối của nhiệm kỳ tới lại tiếp tục mất thời gian cho việc bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm nhân sự nữa thì chỉ còn hơn 3 năm thực hiện nhiệm vụ, điều đó gây chậm trễ, lãng phí thời gian. Khi kiện toàn sớm các chức danh thì việc đó được triển khai thực hiện ngay.

Tất nhiên, làm sớm hay muộn thì phải đúng Hiến pháp và pháp luật. Với những chức danh được kiện toàn lần này, có vị trí phải là ĐBQH như 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, có vị trí không bắt buộc phải là ĐBQH.

Người giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt lần này đều là ĐBQH của khóa XIII nên vị trí được bầu vẫn là của khóa cũ. Đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV thì các cương vị này coi như kết thúc, Quốc hội khóa mới bầu ra các vị trí lãnh đạo của Nhà nước cho khóa mới.

Thí dụ một trong số người đang giữ cương vị đứng đầu của khóa XIII mà không trúng cử ĐBQH sắp tới thì đương nhiên không thể tái cử vào vị trí đã được bầu. Luật định là như thế.

Với các chức danh vừa được bầu tại kỳ họp này, nếu một trong các ứng viên không được Quốc hội phê chuẩn thì quy trình giới thiệu người thay thế có lẽ phải chờ khóa mới, vì thời gian còn lại không dài. Hơn nữa, giữ cương vị khóa này không phải là điều kiện tiên quyết cho anh giữ cương vị đó của khóa tới.

TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội

Theo Hoài Vũ

Báo Giao Thông Vận Tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên