MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ 7.000 lít dầu bẩn: “Lực lượng hải quan đã làm hết trách nhiệm“

18-08-2014 - 10:22 AM | Xã hội

7 năm qua, lô hàng biến thế chứa 7.000 lít dầu có PCB - hoá chất siêu độc chỉ sau dioxin vẫn lưu giữ trong điều kiện không đảm bảo tại cảng Cái Lân.

Đặc biệt, nguy cơ rò rỉ dầu biến thế ra môi trường, ảnh hưởng đến Di sản Vịnh Hạ Long đang hiện hữu. Chính vì thế, vụ việc này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Tú Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Cái Lân xoay quanh những thông tin bạn đọc quan tâm.

Độc giả Trần Thị Thanh, trú tại tổ 1B, khu 8, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) hỏi: Tại sao lô hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng như vậy mà hải quan lại cho phép nhập khẩu? Đề nghị đồng chí cho biết cụ thể?

Chi cục Hải quan cảng Cái Lân khẳng định, cơ quan hải quan không có thẩm quyền cho phép nhập khẩu hàng hoá có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Lô hàng nêu trên không được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong quá trình Công ty làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng, cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm đã tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng và phát hiện trong lô hàng có máy biến thế có chứa dầu. Cơ quan hải quan đã phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu giám định.

Căn cứ kết quả giám định của Cục Bảo vệ môi trường xác định lô hàng có chứa dầu PCB với hàm lượng trên 50ppm là vi phạm các quy định của Công ước Basel và Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam. Cơ quan hải quan đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hải quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Ngày 17/7/2008, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2326/QĐ-UBND về việc xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin, đã vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường; xử phạt vi phạm hành chính 95 triệu đồng về hành vi nhập khẩu máy móc, thiết bị nhiễm chất độc chưa được tẩy rửa và không có khả năng làm sạch.

Đồng thời, buộc Công ty phải tái xuất về nước xuất khẩu lô hàng gồm 1 máy biến thế phụ tải của hãng General Electric và toàn bộ số dầu, nhưng đến nay Công ty vẫn chưa thực hiện Quyết định của UBND tỉnh.

Vậy 7 năm qua, Chi cục Hải quan cảng Cái Lân đã có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Tại Điều 2 Quyết định 2326/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 17/7/2008, giao cho cơ quan Hải quan chủ trì cùng các cơ quan chức năng giám sát việc tái xuất lô hàng vi phạm về môi trường về nước xuất khẩu.

Trong thời gian qua, Chi cục Hải quan cảng Cái Lân đã nhiều lần gửi công văn đôn đốc, yêu cầu Công ty nghiêm túc thực hiện theo Quyết định 2326/QĐ-UBND. Đồng thời báo cáo Cục Hải quan Quảng Ninh kiến nghị với UBND tỉnh về việc Công ty không chấp hành thực hiện Quyết định 2326/QĐ-UBND.

Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa chấp hành. Trong khi lô hàng vi phạm chưa tái xuất được, Chi cục đã kịp thời báo cáo, kiến nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ lô hàng vi phạm, không để xảy ra mất an toàn, rò rỉ chất độc hại ra môi trường.

Nhiều bạn đọc cho rằng, với thời gian lâu và sự bảo quản sơ sài như vậy, việc dầu biến thế rò rỉ ra môi trường Vịnh Hạ Long là có thể. Theo đồng chí, nguy cơ đó đã xảy ra chưa?

Tại điểm 2, mục III Công văn số 251/BVMT ngày 15/3/2008 của Cục Bảo vệ môi trường về việc Kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường “Trong thời gian chờ xử lý, yêu cầu Công ty có biện pháp lưu giữ an toàn máy biến thế nêu trên”.

Và biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan số 27 ngày 26/6/2008, do Chi cục Hải quan cảng Cái Lân và Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường) lập biên bản vi phạm đối với Công ty, giao cho Công ty bảo quản nguyên trạng lô hàng và niêm phong hải quan. Việc thực hiện tái xuất lô hàng trên, doanh nghiệp buộc phải chấp hành theo quyết định của UBND tỉnh.

Ngay sau khi phát hiện vi phạm, toàn bộ số dầu PCB đã được cất giữ trong 1 container, niêm phong kín, tại khu vực cảng Quảng Ninh, đảm bảo điều kiện an toàn, đã được cơ quan chuyên môn về Tài nguyên - Môi trường của tỉnh kiểm tra đồng ý chấp thuận.

Đến ngày 12/5/2014, Sở Tài nguyên - Môi trường đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan cho phép doanh nghiệp đóng toàn bộ máy biến thế nêu trên theo phương án đã được phê duyệt vào container đóng kín đảm bảo tuyệt đối an toàn không gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Không những thế, quá trình lô hàng vi phạm lưu giữ tại cảng, thường xuyên có sự giám sát của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh.

Vậy để tránh tình trạng tương tự xảy ra, lực lượng Hải quan cần làm gì đối với những lô hàng nhạy cảm như vậy?

Theo chức năng nhiệm vụ của ngành hải quan và qua vụ việc trên, cơ quan hải quan sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định pháp luật, tránh sơ hở, đảm bảo việc quản lý chặt chẽ đối với các lô hàng vi phạm như trên theo hướng nâng cao mức xử phạt đối với hành vi xuất nhập khẩu hàng hoá gây ô nhiễm môi trường, và có chế tài xử lý nghiêm nếu không chấp hành quyết định xử phạt của các cấp có thẩm quyền, kể cả xử lý bằng hình sự.

Đặc biệt đơn vị sẽ xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trách nhiệm các cấp, các ngành có liên quan để xử lý với trường hợp tương tự như trên.

>>>7.000 lít dầu siêu độc: Xử lý được nhưng...siêu đắt!

Theo Tuấn Hương

cucpth

Báo Quảng Ninh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên