MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ Đà Nẵng khởi kiện học viên Đề án 922: 8 nhân tài phải bồi hoàn hơn 12 tỷ đồng

12-11-2015 - 08:56 AM | Xã hội

Ngày 11-11, thông tin từ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng cho biết, 8 học viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) bị tòa sơ thẩm buộc bồi hoàn hơn 12 tỷ đồng vì vi phạm cam kết với thành phố đã có đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Hầu hết “bị đơn” chưa phục với kết quả phiên sơ thẩm và trình bày khó khăn, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng dù thế nào đi chăng nữa họ cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình khi phá vỡ cam kết với chính quyền thành phố.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 16 học viên thuộc Đề án 922 bị Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng khởi kiện vì đã phá vỡ cam kết ban đầu với thành phố là trở về phục vụ cho thành phố sau khi hoàn thành chương trình học được đầu tư bằng ngân sách. TAND thành phố và tòa cấp quận đã mở phiên sơ thẩm đối với 8 trường hợp, trung bình mỗi người phải bồi thường cho thành phố hơn 1 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Bửu, cha của học viên Huỳnh Văn Long hiện đang theo học tiến sĩ tại trường Đại học Nottingham (Vương quốc Anh), tại phiên sơ thẩm, tòa tuyên con ông phải bồi hoàn 2,7 tỷ đồng kinh phí đào tạo cho thành phố. Với mức thu nhập hiện tại của 2 vợ chồng thì đây là một số tiền lớn, không thể trả một lần, cho nên gia đình có nguyện vọng trước mắt trả góp cho thành phố.

Đến khi anh Long hoàn thành chương trình học thì mới có điều kiện trả nhiều hơn. Hầu hết các bị đơn còn lại có đơn kháng cáo ngoài việc cho rằng bản án sơ thẩm ngày 15-9 của TAND TP Đà Nẵng đã “không xem xét đầy đủ, chính xác các tình tiết khách quan trong vụ án” đều nêu những khó khăn về khả năng bồi thường của gia đình.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng cho rằng, gia đình các học viên là người hiểu hơn ai hết về các điều khoản khi đặt bút ký cam kết. Bản thân họ cũng hiểu trách nhiệm của mình khi tự ý phá vỡ cam kết đó. Không bồi hoàn kinh phí cho thành phố thì thành phố có trách nhiệm thực hiện các quy định đã nêu trong hợp đồng. Vì đã cam kết mà thành phố không thực hiện trách nhiệm của mình thì chính thành phố cũng vi phạm quy định. Tất cả các văn bản của Thành ủy và UBND TP cũng đã thể chế hóa các quy định đó rồi.

“Trên thực tế, lãnh đạo Thành ủy đã có chủ trương đối với các học viên vì lý do nào đó không thể tiếp tục tham gia đề án thì hoàn trả lại đúng số tiền đã đầu tư, không tính lãi. Như thế là rất nhân văn. Trước khi buộc phải khởi kiện, Trung tâm cũng dành rất nhiều thời gian để làm việc, tìm tiếng nói chung chứ không cứng nhắc như trong hợp đồng”, ông Chiến cho hay.

Đến ngày 30-10-2015, trong số 73 học viên vi phạm hợp đồng thì đã có 46 người đã bồi thường kinh phí đào tạo cho thành phố. Việc thu hồi kinh phí đối với các học viên trong diện này không hề đơn giản vì một số người đã có tính toán từ khi có ý định phá vỡ hợp đồng, cố tình trì hoãn, chây ì, số khác hiện đang học tập hoặc đã sinh sống ở nước ngoài.

Ông Chiến khẳng định, theo thủ tục, gia đình các bị đơn kháng cáo thì tòa sẽ tiến hành theo quy định. Khi tòa đã tuyên rồi thì các bên có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan phải thi hành.

Theo Công Khanh

Công an Đà Nẵng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên