MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý hơn 46.000 vụ phạm tội kinh tế trong 3 năm

13-11-2015 - 15:11 PM | Xã hội

Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết đã tập trung nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Từ tháng 6/2012 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 46.170 vụ, 44.572 đối tượng phạm tội về kinh tế, 1.145 vụ với 1.930 đối tượng phạm tội về tham nhũng, Bộ trưởng nêu con số cụ thể.

Trong các vụ này, theo Bộ trưởng, có nhiều vụ tội phạm kinh tế, tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Điển hình như vụ Huỳnh Thị Huyền Như gây thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng, vụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại 3.900 tỷ đồng. Vụ Hà Văn Thắm và ba lãnh đạo khác của ngân hàng Đại Dương cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 5.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, báo cáo còn điểm danh vụ Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch Công ty Xây dựng nhà đất Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13 lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc huy động hơn 377 tỷ đồng của nhà đầu tư vào dự án nhà chung cư, biệt thự B5 Cầu Diễn.

Nếu chỉ nhìn vào con số thì trong cùng thời gian hơn 3 năm qua, số đối tượng phạm tội về tham nhũng được phát hiện và xử lý ít hơn đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia (1.410 vụ, 2.680 đối tượng).

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Các “kế hoạch”, “chiến dịch” của các tổ chức phản động người Việt lưu vong nhằm tuyển lựa, huấn luyện, phát triển lực lượng đưa người về nước phạt động phá hoại, tạo dựng “ngọn cờ” thành lập tổ chức chính trị đối lập trong nội địa cũng được vô hiệu hóa.

Kết quả được nêu ở phần phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia còn có việc ngăn chặn kịp thời hoạt động của số đối tượng chống đối trong nước kích động, lôi kéo quần chúng tụ tập tuần hành, biểu tình chống Đảng, Nhà nước. Chủ động tấn công chính trị, bao vây cô lập, phân hóa, ly gián số đối tượng cầm đầu, không để tập hợp lực lượng dưới các hình thức “tổ chức xã hội dân sự”.

Từ tháng 6/2012 đến nay, số đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội, nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền, với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh, thành, Bộ trưởng cho biết.

Phần nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, báo cáo nêu rõ, chủ động đấu tranh vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động.

Phát hiện, xử lý kịp thời các nhen nhóm tổ chức phản động, hoạt động liên kết trong - ngoài, kích động biểu tình gây rối, gây bạo loạn, ngăn chặn ý đồ hình thành và công khai tổ chức chính trị đối lập trong nước cũng như hoạt động lập, công khai hóa các hội, nhóm bất hợp pháp trên Internet.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên