MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử tham nhũng: Tránh vị nể

05-04-2014 - 09:20 AM | Xã hội

Có vụ án quy mô sai phạm đến cả ngàn tỉ đồng nhưng thi hành án để thu hồi vẫn đang bế tắc.

Ngày 4-4, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hồi tài sản tham nhũng, thực trạng và giải pháp”. Không chỉ phàn nàn về những hạn chế, yếu kém trong thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng, các đại biểu tại hội thảo đã gợi mở nhiều giải pháp để việc xử lý tội phạm tham nhũng đạt được cả hai yêu cầu: Trừng trị kẻ phạm tội và khắc phục hậu quả của tội phạm.

Thu hồi tài sản tham nhũng mới được 10%

Lần trở lại những quy định pháp luật đã có về phòng, chống tham nhũng (PCTN), 20 năm trước, khi chống tham nhũng mới chỉ bằng các quyết định, chỉ thị, pháp lệnh và đến nay được nâng lên thành luật thì các văn bản đó đều yêu cầu thu hồi kịp thời tiền, tài sản do tham nhũng mà có. Tuy nhiên, kết quả chưa được là bao. Và trong buổi làm việc tuần trước với lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, yêu cầu phải tìm giải pháp khắc phục vấn đề này.

Kết quả hạn chế ấy thể hiện ở báo cáo công tác PCTN năm 2013, theo đó tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay chưa tới 10%. Phân tích nguyên nhân, Cục phó Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, ông Phí Ngọc Tuyển, cho rằng hiện rất khó chứng minh yếu tố “vụ lợi” - dấu hiệu bắt buộc để coi một người đã có hành vi tham nhũng. 

Mặt khác, cơ chế giám sát thu nhập của cá nhân, tổ chức lại gần như không có; chế độ quản lý đất đai, nhà cửa, tài sản... lại lỏng lẻo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc che giấu hành vi tham nhũng cũng như tài sản có được từ tham nhũng.

Từ thực tiễn điều tra, Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Cục phó C48 - chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Bộ Công an, dẫn ra những vụ án nổi đình nổi đám, như Lã Thị Kim Oanh 10 năm trước dùng hàng trăm triệu đồng đi “công đức”… Theo ông Hiển, những trường hợp ấy gần như mất khả năng hoàn trả. Chưa kể một số vụ án như vụ Ngân hàng Nông nghiệp Chi nhánh Nam Hà Nội, đối tượng đã chuyển cả 120 triệu USD ra nước ngoài thì việc thu hồi vô cùng khó khăn.

Mặt khác, trong các vụ án, việc chứng minh một tài sản có được do tham nhũng không hề dễ dàng. Như vụ Dương Chí Dũng, tòa án đã kết tội tham ô 10 tỉ đồng, đồng thời kê biên hai căn hộ chung cư cao cấp tại Hà Nội mà ông Dũng mua cho nhân tình. Tuy nhiên, hiện chưa chứng minh được hai căn hộ này liên quan thế nào tới tiền tham ô.

Thi hành án vướng đủ đường

Trong các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đã khó, tới phần khắc phục hậu quả kinh tế còn khó khăn hơn nhiều.

Phân tích nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan, Đại tá Hiển thừa nhận các cơ quan điều tra lâu nay mới chú trọng chứng minh hành vi phạm tội mà chưa quan tâm xác minh tài liệu, chứng cứ có thể dẫn tới tài sản do tham nhũng mà có. Cơ quan điều tra cũng chưa thực sự áp dụng tất cả biện pháp để phong tỏa, kê biên tài sản để bóc tách giữa tài sản tham nhũng với tài sản khác.

Dẫn dắt các tham luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền đặt câu hỏi: “Người dân rất băn khoăn với những đại án tham nhũng đầu voi đuôi chuột, mà từ thanh tra, xuống điều tra, truy tố, xét xử cứ teo dần. Vậy tới khâu thi hành án thì thế nào?”.

Đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), ông Lê Anh Tuấn có ngay câu trả lời: Nhiều vụ án có giá trị phải thi hành án rất lớn, tới cả trăm, thậm chí cả ngàn tỉ đồng nhưng tài sản lại rải rác ở nhiều địa phương. Tình trạng pháp lý lại không rõ ràng do thiếu giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, hay một tài sản thuộc sở hữu chung nhiều người, chưa bóc tách phần của đối tượng phải thi hành án. Chưa kể nhiều tài sản kê biên được, có giá trị lớn nhưng phát mại giảm giá nhiều lần chẳng ai mua. Thành ra giá trị thu hồi được rất nhỏ.

Mặt khác, ông Tuấn phân tích thêm trong quá trình thụ lý, các cơ quan tố tụng lại không kịp thời áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời... nên gia đình bị can, bị cáo có cơ hội tẩu tán tài sản. Có trường hợp cơ quan tố tụng có biện pháp ngăn chặn nhưng lại không đúng quy trình, thủ tục, gây khó cho khâu thi hành án sau này. Ví dụ điển hình là vụ án Vinashin, quy mô sai phạm cả ngàn tỉ đồng, đến nay thi hành án đang bế tắc.

Tổng rà soát toàn quốc về tài sản?

Theo ông Tuấn, có thể đơn giản là công khai danh tính, địa chỉ người phải thi hành án, nhất là đối tượng trong các vụ án tham nhũng, qua đó nhờ áp lực dư luận buộc họ phải thi hành.

Còn ông Nguyễn Văn Yên, Phó Vụ trưởng thuộc Ban Nội chính Trung ương, đề xuất cần tiến hành tổng rà soát toàn quốc về tài sản, bất kể của dân thường hay quan chức. “Theo tôi, nên mạnh dạn kiến nghị Trung ương, Bộ Chính trị ra nghị quyết về vấn đề này. Chỉ cần hai năm là thống kê được cả nước này có bao nhiêu ngôi nhà, thửa đất, do ai đứng tên.

 Có thể cần giải pháp đột phá, theo kiểu ân xá kinh tế, cho hợp pháp hóa tài sản bất kể nguồn gốc. Trên cơ sở đó đánh thuế lũy tiến vào tài sản, người có nhiều bị thuế nhiều. Bước tiếp theo là tịch thu sung công những tài sản bị che giấu mà hết thời hạn không kê khai. Có thế mới đánh tham nhũng được” - ông Yên đề xuất.

Mềm dẻo hơn, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng trước mắt chỉ nên kiến nghị Bộ Chính trị ra chỉ thị yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng làm tốt, hết trách nhiệm với quyền hạn được giao, áp dụng tất cả biện pháp hiện có để lần tìm, phong tỏa tài sản tham nhũng. Tiếp theo, các cơ quan tố tụng xây dựng thông tư liên tịch, thiết lập cơ chế phối hợp để thực thi các phiện pháp đảm bảo thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng.

Còn TS Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, vừa nghỉ hưu thì cho rằng các cơ quan tố tụng phải thực sự độc lập với bên ngoài và với nhau. Khi xử lý án tham nhũng, người tiến hành tố tụng cần tránh vị nể “tình đồng chí” mà làm nhẹ hành vi phạm tội từ tham ô, nhận hối lộ sang các tội danh khác có mức án thấp hơn. “Nhiều vụ án chúng ta biết rõ tiền tham nhũng đã được biếu tặng ai nhưng lại không xử lý đến cùng. 

Chỉ xử lý người tham nhũng mà không xử người nhận quà cáp, lợi ích từ những khoản tiền tham nhũng đó. Khắc phục được điều đó thì không đến nỗi không thu hồi được tài sản tham nhũng” - ông Phương góp ý.

Kết luận hội thảo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn cho biết các ý kiến góp ý cùng giải pháp đề xuất sẽ được tổng hợp, chọn lọc để đưa vào báo cáo hội nghị toàn quốc về PCTN trong thời gian tới. “Trong báo cáo sẽ có một mục về thu hồi tài sản tham nhũng. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN sẽ thảo luận, kiến nghị Bộ Chính trị những giải pháp cụ thể cho vấn đề còn nhiều vướng mắc này” - ông Tuấn nói.

Theo Nghĩa Nhân

cucpth

Phapluat TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên