MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử vụ nhận “lót tay” 11 tỉ đồng: "Tiêu hộ" tiền cho đối tác Nhật Bản

26-10-2015 - 14:22 PM | Xã hội

Lý giải về khoản tiền “lót tay” 11 tỉ đồng của JTC tại tòa, bị cáo Phạm Hải Bằng, cựu phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam, cho rằng: Phía Việt Nam “tiêu hộ” tiền cho đối tác Nhật Bản.


Từ hơn 7 giờ, người nhà các bị cáo, người liên quan, các luật sư đã có mặt trước TAND TP Hà Nội để tập trung làm các thủ tục tham dự phiên toà

Từ hơn 7 giờ, người nhà các bị cáo, người liên quan, các luật sư đã có mặt trước TAND TP Hà Nội để tập trung làm các thủ tục tham dự phiên toà

Sáng nay 26-10, TAND TP Hà Nội bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm vụ án Trần Quốc Đông và 5 đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Phiên toà xử 6 cựu quan chức đường sắt diễn ra khá muộn. Từ hơn 7 giờ, người nhà các bị cáo, người liên quan, các luật sư đã tập trung làm các thủ tục tham dự phiên toà.

An ninh phiên toà này được siết chặt, kiểm soát chặt chẽ ngay từ cổng. Các phóng viên phải đăng ký từ trước, có thẻ dự riêng và ngồi theo dõi phiên toà qua màn hình tivi ở một phòng khác.


Các bị cáo chờ bắt đầu phiên xét xử

Các bị cáo chờ bắt đầu phiên xét xử

Quan sát qua màn hình, 6 bị cáo trong màu áo xanh vào trong phòng xử án từ rất sớm, kiên nhẫn ngồi đợi tiến hành phiên toà.

Đến 8 giờ 50, toà bắt đầu làm việc. Chủ toạ công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử và tiến hành các thủ tục kiểm tra căn cước.

Phiên xét xử sơ thẩm vụ án Trần Quốc Đông và 5 đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” dự kiến diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-10 do thẩm phán Trương Việt Toàn làm chủ tọa cùng 8 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Đây là 1 trong 8 vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo và thống nhất xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Đáng chú ý, trước phiên xử, TAND Hà Nội cũng đã ra lệnh bắt giam thêm 4 bị cáo: Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Quang Duy để phục vụ công tác xét xử.


Phiên toà bắt đầu làm việc

Phiên toà bắt đầu làm việc

Theo cáo trạng do VKSND TP Hà Nội trình bày tại tòa sáng 26-10, ngày 31-10-2008, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Theo đó, chủ đầu tư dự án được giao cho Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (viết tắt là RPMU).

Ông Phạm Hải Bằng, Phó giám đốc RPMU được giao chức trách Chủ nhiệm dự án, tổ chức thực hiện và trực tiếp thực hiện các công việc của dự án.

Để triển khai dự án, tháng 9-2009, Tổng công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với liên danh do Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (viết tắt JTC) đứng đầu. Hợp đồng này được định giá hơn 2,9 tỷ Yên Nhật Bản, cùng với hơn 320 tỷ đồng.

Từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2014, Phạm Hải Bằng đã trực tiếp thoả thuận với đại diện nhà thầu JTC, với mong muốn JTC hỗ trợ cho RPMU các khoản tiền liên quan đến quá trình triển khai dự án.

Ngay sau khi được “gợi ý”, phía JTC đã nhận lời và chuyển cho Bằng cùng các đồng phạm liên quan 11 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, số tiền trên đã được “chuyển hoá” vào các hạng mục tiếp khách, hiếu hỉ, đi lại, làm ngoài giờ.

Cáo trạng khẳng định, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thoả thuận ngoài hợp đồng giữa Phạm Hải Bằng cùng thuộc cấp với các nhà thầu đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam, đến mối quan hệ hợp tác truyền thống, lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA.

Đến 9 giờ 50, sau khi công bố xong bản cáo trạng, HĐXX bắt đầu tiến hành xét hỏi các bị cáo.

Bị cáo đầu tiên được đưa ra xét hỏi là Phạm Hải Bằng, người bị cáo buộc đã trực tiếp đặt vấn đề về khoản tiền “lót tay” với đối tác. Bị cáo Bằng trình bày nội dung về hợp đồng tư vấn kỹ thuật cho đoạn đường sắt dài 28 km. “Giai đoạn này cần nhiều chi phí hoạt động, tổ chức sự kiện. Có nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới thực hiện hợp đồng... nên tốn kém nhiều chi phí” -bị cáo nói.


Bị cáo Phạm Hải Bằng đứng trước vành móng ngựa trả lời thẩm vấn tại tòa

Bị cáo Phạm Hải Bằng đứng trước vành móng ngựa trả lời thẩm vấn tại tòa

Chủ toạ hỏi: “Tất cả những khó khăn vướng mắc đó được quyết toán bằng giá trị của hợp đồng. Tại sao khi ký kết không đưa điều khoản đó vào mà lại để ngoài hợp đồng? Buổi ký kết phải lấy tiền từ hợp đồng, sao lại lấy tiền ngoài?”. Bằng trả lời: “Trong thời gian khi ký hợp đồng, do bị cáo làm công tác kiểm tra nhiều nên đã uỷ quyền cho cấp dưới, cùng với bên tư vấn để triển khai hợp đồng”.

“Phần chi phí bị cáo có đưa vào hệ thống sổ sách của công ty không?” - chủ tọa hỏi tiếp. Bằng đáp: “Những khoản chi này chủ yếu phục vụ cho hoạt động tư vấn nên không đưa vào theo dõi của Ban quản lý dự án đường sắt.

Trước câu hỏi: “Bao nhiêu lần bị cáo nhận tiền của phía nhà thầu?”, bị cáo Bằng nói: “Thời gian triển khai cũng tương đối dài, tư vấn họ không thông báo trước. Bị cáo không nhớ chính xác con số cuối cùng là bao nhiêu, chỉ nhớ số tương đối là 11 tỉ đồng”.

“Riêng bị cáo nhận bao nhiêu lần và bao nhiêu?” - chủ tọa truy. Bằng trả lời: “Bị cáo không nhớ chính xác”. “Có bao giờ bị cáo chủ động đặt vấn đề liên quan tới khó khăn, đặt vấn đề các đối tác phải hỗ trợ tiền?” - chủ tọa hỏi tiếp. Bằng đáp: “Không, bị cáo chỉ nêu trong các cuộc họp đấy”.

Chủ tọa hỏi: “Theo cơ quan điều tra, đã thu thập toàn bộ các lời khai của các bị cáo người Nhật Bản. Họ khai rất nhiều về việc đã có nhiều lần ông Phạm Hải Bằng trực tiếp đề nghị người ta đưa tiền?”. Bị cáo Bằng đáp: “Như bị cáo vừa trình bày, khi triển khai hợp đồng thì bị cáo trình bày như thế. Khi đọc bản kết luận điều tra, bị cáo thấy lời khai của phía Nhật Bản không đúng”.

Trước câu hỏi “Bị cáo nhận thức gì về khoản tiền đã nhận”, Bằng trả lời: “Nhận thức ở đây khoản tiền chi phục vụ cho hoạt động tư vấn, lẽ ra đối tác tư vấn Nhật Bản phải thực hiện. Nhưng do tư vấn họ không nắm được nên họ đã để phía Việt Nam thực hiện. Phía Việt Nam chi tiêu hộ cho phía Nhật Bản khoản này”.

Chủ tọa liền truy: “Tại sao không có quyết toán về khoản tiền với phía Nhật Bản?”. Bằng khai: “Do họ không yêu cầu. Lẽ ra tư vấn phải chi nhưng phía Việt Nam chi hộ cho tư vấn”. “Số tiền trên đã sử dụng những mục đích gì?” – chủ tọa tiếp tục. Bằng trả lời: “Ngoài tổ chức hội họp với các ban ngành liên quan, có những chi tiêu liên quan tới hoạt động nội bộ của Tổ dự án như: đoàn thanh niên, công đoàn, nghỉ mát… Các cuộc họp rất nhiều vì liên quan tới nhiều chuyên ngành”

HĐXX đã công bố lời khai lãnh đạo công ty JTC phía Nhật Bản: “Tại dự án này trước khi bước vào ký hợp đồng, ông Bằng đã đề nghị ký với một nhà thầu phụ. Tôi nghĩ rằng chẳng phải ông Bằng đang làm béo bụng cá nhân ông ấy hay sao? Tôi cho rằng nếu từ chối đưa hối lộ cho ông Bằng thì đừng nói gì tới việc tham gia đàm phán hợp đồng hay thoả thuận các điều khoản hợp đồng”.

Sau đó, chủ tọa hỏi: “Bị cáo nghĩ gì?”. Bị cáo Bằng đáp: “Bị cáo hoàn toàn không biết những điều này”. “Mỗi lần bị cáo nhận tiền, bị cáo nghĩ gì?” - chủ tọa hỏi tiếp. Bằng trả lời: “Cái hoạt động này là 2 bên phối hợp với nhau. Đây là phần bên tư vấn họ cân đối để phối hợp với phía Việt Nam”.

10 giờ 45, toà tiếp tục thẩm vấn các bị cáo khác để làm rõ việc nhận và chi số tiền 11 tỉ đồng trái quy định pháp luật trên.


Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Trần Quốc Đông khi còn tại chức

Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Trần Quốc Đông khi còn tại chức

Sáu bị cáo ra trước vành móng ngựa trong vụ này đều là nguyên lãnh đạo Ban Quản lý Các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, gồm: Phạm Hải Bằng, nguyên Phó Giám đốc RPMU; Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng Phòng Dự án 3 - RPMU; Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU; Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU và Phạm Quang Duy, nguyên Phó Giám đốc RPMU.

Theo cáo trạng, tháng 10-2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1), đồng thời giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án tuyến số 1 cho RPMU. Đến ngày 5-1-2009, RPMU quyết định thành lập tổ dự án tuyến số 1, gồm 21 thành viên; Phạm Hải Bằng làm chủ nhiệm.

Ngày 9-9-2009, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đại diện là ông Bằng, đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và một số công ty khác. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Bằng (lúc đó là chủ nhiệm dự án) đã nêu một số khó khăn về chi phí triển khai dự án với đại diện JTC và được phía JTC đồng ý hỗ trợ kinh phí. Sau đó, Bằng thông báo cho Duy (lúc đó là trưởng Phòng Dự án 3 - RPMU) cùng Thái biết để thực hiện.


Các bị cáo Bằng, Duy, Thái, Lục (theo thứ tự từ trái qua phải, trên xuống dưới)

Các bị cáo Bằng, Duy, Thái, Lục (theo thứ tự từ trái qua phải, trên xuống dưới)

Từ tháng 9-2009 đến 2-2014, JTC đã chuyển tổng cộng 11 tỉ đồng cho Bằng, Thái và Duy. Khoản tiền từ JTC là rất lớn nhưng không được theo dõi, ghi nhận trên hệ thống sổ sách của RPMU hay của tổ thực hiện dự án. Toàn bộ số tiền này, các bị can đã sử dụng cho chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp, đi lại, làm ngoài giờ, nghỉ mát… Trong đó, các bị can đều được hưởng lợi riêng.

Trong quá trình điều tra, các bị can đã tự nguyện nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an để khắc phục hậu quả. Cụ thể, Bằng nộp 970 triệu đồng và 7.000 USD, Duy 65 triệu đồng, Thái 600 triệu đồng, Lục 100 triệu đồng và Đông nộp 30 triệu đồng.

 

Theo Nguyễn Quyết

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên