MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống đốc mong muốn Vietcombank tham gia tái cơ cấu những ngân hàng khác

08-01-2017 - 08:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngoài việc tự tái cơ cấu, Thống đốc nhắc đến Vietcombank tham gia trách nhiệm vào tái cơ cấu những ngân hàng khác. Khi tham gia sẽ có những cơ chế giải pháp chính sách hết sức rõ ràng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Thống đốc Lê Minh Hưng đánh giá năm qua hệ thống ngân hàng đã điều hành tốt chính sách tiền tệ, xác định ngay từ đầu năm giữ được mặt bằng lãi suất cho vay rất khó nhưng cuối cùng toàn ngành đã giảm được 0,5-1%.

Tuy nhiên, năm 2017 sẽ khó khăn hơn, kinh tế thế giới có thể phục hồi nhưng rất chậm; đặc biệt tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm dẫn đến ảnh hưởng xuất khẩu. Thống đốc cũng nhận định năm 2017 là năm khó khăn trong điều hành tỷ giá vì chịu nhiều tác động bất lợi từ chính sách tiền tệ của các nước, áp lực từ việc tăng lãi suất của Fed...Do vậy, năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt thị trường ngoại hối, tỷ giá, tham gia là người dẫn dắt thị trường. Đồng thời, nhấn mạnh Vietcombank với vai trò là ngân hàng lớn trên thị trường ngoại tệ, tiếp tục tham gia hỗ trợ cho chính sách trong điều hành.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, Thống đốc chỉ ra rằng, lãi suất dù áp lực rất lớn nên đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải điều hành đồng bộ linh hoạt thị trường tiền tệ làm sao giữ ổn định mặt bằng và phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn nhưng trước tiên là phải ổn định được mặt bằng lãi suất. Đây là quan điểm chỉ đạo của toàn hệ thống mà Vietcombank cần lưu ý.

Đánh giá về kết quả đạt được của Vietcombank, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao trong năm qua Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tham gia vào giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và cũng là ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC...

Thống đốc cũng yêu cầu Vietcombank tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu, trong năm qua thành tích xử lý nợ xấu của Vietcombank đạt rất tốt nhưng ngân hàng chủ yếu tập trung xử lý thông qua trích lập dự phòng rủi ro, trong năm tới cần đẩy mạnh thông qua xử lý tài sản đảm bảo.

Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc khẳng định toàn ngành đang triển khai mạnh mẽ đạt kết quả tích cực. Đồng thời, nhấn mạnh một trong những ưu tiên hàng đầu của Vietcombank là hoàn thiện đề án tái cơ cấu và xác định vị trí của Vietcombank trong khu vực trong thời gian tới.

“Sau khi Chính phủ phê duyệt xong chúng tôi sẽ chỉ đạo Vietcombank phải xác định vị trí của mình ở đâu trong khu vực trong 5-10 năm tới", vị đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.

Ngoài việc tự tái cơ cấu, Thống đốc cũng nhắc đến trách nhiệm của Vietcombank rất lớn đối với Chính phủ là phải tham gia trách nhiệm vào tái cơ cấu những ngân hàng khác. Khi tham gia thì sẽ có những cơ chế giải pháp chính sách hết sức rõ ràng.

Bên cạnh đó, Vietcombank cần triển khai có hiệu quả các quy trình thủ tục hành chính để giảm áp lực, thời gian tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết năm 2016 là một năm thành công rực rỡ của Vietcombank với lợi nhuận trước thuế kỷ lục đạt 8.212 tỷ đồng, đã dọn sạch nợ xấu ở VAMC, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,45%. Chỉ số ROAA, ROAE của ngân hàng đạt tương ứng là 0,90% và 14,2%, cao hơn mặt bằng chung của thị trường và tăng so với cuối năm 2015.

Trong năm qua, giá cổ phiếu VCB tăng cao gấp hơn 2 lần so với các ngân hàng cùng quy mô do đó việc tăng vốn thông qua chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bằng việc phát hành cho cổ đông nước ngoài vẫn chưa thực hiện được theo tiến độ đề ra. Giá cổ phiếu quá cao trên thị trường là lý do khiến thương vụ bán 7,73% cổ phần cho đối tác GIC (Singapore) của ngân hàng này chưa thể hiện thực hóa trong năm 2016.

Ông Thành cho biết Vietcombank sẽ tiếp tục là ngân hàng giữ ổn định mặt bằng lãi suất; nếu có điều kiện sẽ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn và tham gia vào quá trình tái cơ các ngân hàng khác khi có chỉ đạo.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên