MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống kê DN Việt trốn thuế tới chục ngàn tỷ và lời than thở của Bộ trưởng Bộ Tài Chính: "Tình trạng xã hội chúng ta là như thế!"

Gần như sờ vào doanh nghiệp nào thì cũng thấy vi phạm về thuế, có vi phạm lớn, vi phạm bé.

Doanh nghiệp trốn thuế từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối trong nền kinh tế, khiến cho các cơ quan chức năng phải đau đầu.

Hôm nay, có mặt tại phiên Quyết toán Ngân sách Nhà nước 2015 tại cuộc họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng trong bài phát biểu đã phải ‘thú thật’ thực trạng này trước Nghị trường cùng với một lời than thở "tình trạng xã hội chúng ta là như thế”.

Mở đầu ‘điểm thứ hai’ mô tả về một bộ mặt mới đầy tích cực của ngành thuế và chuyện nộp thuế: 99,8% doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế, 42 ngân hàng thương mại phối hợp thu thuế qua mạng, 98% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế qua mạng, tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vẫn phải thừa nhận rằng tình trạng trốn nộp thuế của doanh nghiệp vẫn còn phổ biến:

“Gần như sờ vào doanh nghiệp nào thì cũng thấy vi phạm về thuế, có vi phạm lớn, vi phạm bé. Trong thời gian vừa qua chúng tôi có tăng cường kiểm tra thì thấy ví dụ, năm 2015, thanh tra kiểm tra 19297 doanh nghiệp thì số kiến nghị xử lý thu hồi Ngân sách Nhà nước là hơn 12.300 doanh nghiệp, giảm khấu trừ 1.239 tỷ, giảm lỗ cho các doanh nghiệp 23.044 tỷ - phần này bao gồm cả chuyển giá của doanh nghiệp FDI”.

Tổng cộng con số mà nếu như không có thanh, kiểm tra về thuế nói trên có thể sẽ thất thu cộng lại lên đến trên 36.000 tỷ đồng – một con số rất lớn theo vị này. Ngay trong năm 2016 vừa qua, Bộ trưởng Dũng cũng tiết lộ những con số ‘suýt’ thất thu của Ngân sách Nhà nước chẳng hề nhỏ:

Năm 2016 kiểm tra thanh tra 91.419 doanh nghiệp thì tổng số kiến nghị thu hồi Ngân sách Nhà nước là 17.285 tỷ đồng, phạt và truy hoàn 1.400 tỷ đồng, giảm khấu trừ 79 tỷ và điều chỉnh tăng thu nhập của thuế là hơn 32.942 tỷ đồng. Đây là những con số rất lớn” – Bộ trưởng Bộ Tài Chính nói.

Tất cả những thực trạng này dường như đã làm lu mờ những thành tựu của ngành thuế trong việc cách tân mình thời gian vừa qua – sự đổi mới được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá trước đó là “đổi mới phương thức quản lý, cải cách thủ tục hành chính, gắn với đổi mới phương thức quản lý và hiện đại hóa thì ngành thuế đúng là ngành đi tiên phong đầu tiên”.

Vì thế, trong thời gian tới, để đối phó với chuyện trốn nộp thuế, ông nhắc đến giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra như lựa chọn hàng đầu, với số lượng doanh nghiệp dự kiến ‘được gõ cửa’ lên đến 20% số lượng doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế.

Nỗ lực này sẽ được thực hiện bởi toàn ngành thuế cùng đi thanh tra kiểm tra, kết hợp với cả các Cục, Vụ thanh tra, Kho bạc. Điều mà Bộ trưởng tiên đoán trước ở công cuộc làm mạnh thanh kiểm tra sắp tới này là sẽ “càng làm càng phát hiện ra nhiều” và “chúng ta phải chấp nhận hiện trạng như thế để tiếp tục chấn chỉnh, tiếp tục điều chỉnh chính sách”.

“Điều này chắc chắn sẽ chưa thể hết ngay được. Các đồng chí sáng nay nói rất đúng, tình trạng xã hội chúng ta như thế. Tình trạng xã hội chúng ta là như thế!” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tới 2 lần lời than thở ở cuối câu nói của mình.

Cũng trong mạch về câu chuyện doanh nghiệp Việt vì 'quá thông minh; mà tìm cách ‘ăn gian thuế’, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thể hiện một sự lo lắng về chủ trương hộ kinh doanh cá thể khi ‘lên đời’ thành doanh nghiệp thì được miễn thuế đã được thông qua trong Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ sáng nay.

Liệu rằng, sau một thời gian được miễn thuế, các doanh nghiệp ‘rất thông minh’ mới tồn tại được 3 năm miễn thuế này có xin trở lại với thân phận hộ kinh doanh cá thể trước đó, để chỉ phải đóng thuế môn bài – một loại thuế bớt phức tạp và có giá trị nhỏ hơn nhiều so với thuế thu nhập doanh nghiệp?

“Ngay cả sáng nay, chúng ta nói chính sách thì có ưu đãi cho hộ cá thể lên doanh nghiệp là hoàn toàn đúng, nhưng không khéo sau một thời hạn, hết hiệu lực ưu đãi lại quay về hộ kinh doanh cá thể.

Chúng ta có nghĩ đến điều đó không? Chúng ta muốn nâng từ hộ lên doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp vừa thành doanh nghiệp lớn. Nhưng rồi sau đó liệu có tình trạng là doanh nghiệp lại xin quay về hộ kinh doanh hay không” – Người đứng đầu Bộ Tài Chính đặt câu hỏi ở cuối.

Về chuyển giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiết lộ đã xây dựng xong Nghị định chống chuyển giá trình với Chính phủ và đã được thông qua. Qua nghiên cứu, Nghị định này sẽ phải tới mất 7 năm mới thực hiện được.

Theo Vượng Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên