MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin người dùng và lái xe của Uber tại Việt Nam sẽ được Grab xử lý ra sao?

Thông tin về khách hàng sẽ không được Uber chuyển cho Grab. Đối tác của Uber phải đồng ý và đăng ký lái xe với Grab mới có thể tiếp tục hoạt động sau ngày 08/4/2018.

Grab có trách nhiệm kề thừa sau khi hợp nhất với Uber

Luật sư Nguyễn Hải Yến, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, Grab sẽ phải chịu trách nhiệm kế thừa, sau khi công ty này thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á.

Đối với các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp 2015 quy đinh, công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.

"Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2015 quy định trình tự thủ tục, nếu sáp nhập doanh nghiệp thì công ty sáp nhập kế thừa, chịu toàn bộ trách nhiệm của công ty bị sáp nhập (Điểm c, Khoản 2, Điều 195). Theo đó, công ty phải có trách nhiệm nghĩa vụ với khách hàng như khoản nợ, nghĩa vụ trong hợp đồng có hiệu lực đối với khách hàng,... Việc sáp nhập doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định về Luật Cạnh tranh do hai công ty (Uber và Grab) đều có thị phần lớn" – Luật sư Nguyễn Hải Yến nói.

Tuy nhiên, Uber đã không chuyển giao cho Grab những thông tin về khách hàng và các khoản phải trả cho đối tác. Grab cho biết, các thông tin khách hàng của Uber không được chia sẻ với Grab. Thậm chí, chỉ khi đối tác của Uber đồng ý và đăng ký lái xe với Grab thì họ mới có thể tiếp tục hoạt động sau ngày 08/4/2018. Việc đăng ký này tương tự như đối với đối tác mới của Grab. Mọi khoản thu nhập khi lái xe hoàn thành các chuyến đi trên ứng dụng Uber đều do Uber thanh toán.

Hiện tại, Uber cũng đang theo đuổi vụ kiện với Cục Thuế TP.HCM liên quan đến khoản thuế bị truy thu trị giá 66,68 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp bị truy thu là Uber B.V có trụ sở tại Hà Lan. Đây cũng là doanh nghiệp giao kết hợp đồng điện tử với các đối tác tại Việt Nam.

Ứng dụng Uber vẫn tồn tại, nhưng không khả dụng tại Đông Nam Á

Chiều ngày 26/3/2018, Uber B.V đã thông báo về việc hợp nhất các hoạt động của mình với Grab. Theo đó, ứng dụng Uber vẫn tồn tại, tài khoản của khách hàng cũng không mất đi. Tuy nhiên, khách hàng chỉ có thể sử dụng Uber một cách bình thường tại hơn 80 nước. Tất cả các yêu cầu đặt xe sau ngày 08/4/2018 tại Đông Nam Á đều phải đặt từ ứng dụng Grab.

Sau khi hợp nhất hoạt động, khách hàng sẽ phải chi trả cho hành trình theo giá cước hiển thị trên ứng dụng Grab. Đối với khách hàng di chuyển bằng taxi, giá tiền được tính theo đồng hồ trên xe, dựa trên biểu giá của hãng taxi.

Thông tin người dùng và lái xe của Uber tại Việt Nam sẽ được Grab xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Dịch vụ đặt xe buýt trên các tuyến đường cố định GrabShuttle.

Ngoài những dịch vụ trên, Grab cũng sáp nhập hoạt động kinh doanh của Uber Eats. Grab sẽ nhanh chóng triển khai GrabFood (dịch vụ giao nhận thức ăn) đến toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2018. Trước đó, GrabFood đã có mặt tại Indonesia và Thái Lan, và sẽ sớm có mặt tại Singapore và Malaysia vào quý II/2018.

Thời gian tới, Grab cũng sẽ triển khai thêm dịch vụ chia sẻ xe đạp, đặt xe buýt,... với tham vọng trở thành nền tảng ứng dụng O2O (online to offline) hàng đầu Đông Nam Á. Dịch vụ chia sẻ xe đạp có tên GrabCycle, GrabShuttle Plus là dịch vu đặt xe buýt trên các tuyến đường cố định. "Chúng tôi đã bắt đầu quá trình thảo luận với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong khu vực, bao gồm Việt Nam, về cách thức có thể tích hợp giao thông công cộng vào nền tảng Grab" – thông cáo của Grab viết.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên