MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ công thu phí BOT: Thu thì tắc, thả thì tiếc

Trạm thu phí BOT quá gần nhau nhưng phải mua và trả vé thủ công khiến lái xe phải chờ đợi vì phương tiện ùn ứ, tạo nên tâm lý rất bức xúc.

Khẳng định chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông là cần thiết khi ngân sách Nhà nước quá hạn hẹp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, về mặt lợi ích, những tuyến đường giao thông được đầu tư xây dựng bằng hình thức BOT đã góp phần tạo nên đột phá lớn trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Doanh nghiệp, người dân ngày càng ít lựa chọn

Tuy nhiên, bên cạnh một số tuyến đường đã phát huy hiệu quả tốt như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây…vẫn còn một số tồn tại bất cập tại một số tuyến đường bộ, đường cao tốc gây nên những khó khăn cho người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải ô tô, trong đó có đề cập tới phí đường bộ.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đưa ra những bất cập hiện nay liên quan đến việc đầu tư các dự án BOT. Đó là việc không ít trạm thu phí đặt không đúng vị trí, không theo quy định khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm phải là 70 km.

“Thực tế có nhiều trạm thu phí được bố trí quá gần nhau, quá manh mún, người dân và doanh nghiệp không có quyền lựa chọn. Ví dụ như tuyến Hà Nội - Thái Bình 100 km mà có tới 4 trạm thu phí, tiền phí đường cao hơn cả xăng dầu. Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng phương tiện liên tục né trạm thu phí”, ông Thanh cho biết.

Bên cạnh đó, việc thu phí bằng tiền mặt tại các trạm BOT dẫn tới tình trạng ùn tắc. Điều này được thấy rất rõ ở tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong thời gian vừa qua khiến xã hội đã có câu: “thu thì tắc, thả thì tiếc”. Ông Thanh cho biết, theo quy định nếu ùn tắc 1 km trở lên, trạm thu phí phải mở cửa, không thu phí để giải phóng phương tiện. Tuy nhiên, quy định này thường không được thực hiện khiến lái xe phải chờ đợi vì phương tiện ùn ứ, tạo nên tâm lý rất bức xúc.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, việc công khai minh bạch về chủ đầu tư dự án BOT; tổng mức đầu tư đã được kiểm toán chính xác; Mức thu phí, lộ trình và thời gian thu phí cụ thể cũng phải được thông báo rõ ràng, chi tiết. Để minh bạch trong thu phí, ông Thanh kiến nghị cho bên độc lập thu phí với tư cách thuê công ty có đủ công nghệ, đủ kỹ thuật làm được. Không để liên danh nhà đầu tư hoặc 1 nhà đầu tư thu hiện nay, sẽ nảy sinh những bất cập.

Cùng với đó, ông Thanh kiến nghị: Đối với những hệ thống đường bị xuống cấp, nhà đầu tư nhất định không được thu phí. Tổng cục Đường bộ phải giám sát chặt chẽ việc này. Để mặt đường xuống cấp thì nhà đầu tư phải dừng thu phí trong thời gian bao nhiêu ngày theo quy định hoặc phải bị tước quyền thu phí. Không thể cứ bắt người dân đi đường xấu mà vẫn phải chịu phí cao.

Nhà đầu tư nước ngoài “sợ” BOT giao thông

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) cho rằng, sở dĩ đến nay chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào nhảy vào các dự án BOT ở Việt Nam là vì họ rất sợ khâu giải phóng mặt bằng cũng như việc thay đổi về thủ tục pháp lý.

“Quy trình thủ tục đầu tư BOT thay đổi tới 4 nghị định, nhưng mỗi nghị định lại có quy định về phương pháp quản lý khác nhau của nhà nước về dự án BOT nên nhà đầu tư nước ngoài không thể “chạy theo” kịp. Bên cạnh đó, biểu giá và mức thu phí cũng rất phức tạp khi hợp đồng đầu tư do cơ quan quản lý là Bộ GTVT ký, nhưng mức phí lại do Bộ Tài chính định ra, hoặc Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố quy định”, ông Bình cho biết.

Điều quan trọng nhất theo ông Bình là nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lợi nhuận đầu tư. Cụ thể là không có nhà đầu tư nào đồng ý mức tỷ suất lợi nhuận/vốn dưới 15%, trong khi có nhiều yếu tố rủi ro về pháp lý dẫn đến xung đột giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, một dự án lại thường có nhiều thanh, kiểm tra, trong khi doanh nghiệp FDI chỉ quan tâm đến việc ký hợp đồng và thực hiện với cơ quan quản lý. “Cứ thấy có chuyện thanh kiểm tra, nhà đầu tư nước ngoài lại sợ tranh chấp và ra tòa nên họ nản lòng”, ông Bình nói.

Ngoài ra còn một số khó khăn khác cho các doanh nghiệp FDI như việc vay vốn ngân hàng trong nước. Luật bất thành văn là doanh nghiệp FDI không vay được trong nước trong khi họ muốn được là nhà đầu tư thực sự để được vay vốn. Niêm yết sàn chứng khoán cũng không được vì 10 dự án BOT đều bị lỗ năm đầu, trong khi quy định niêm yết 2 năm có lãi nên không thể niêm yết.

Từ thực trạng trên, Tổng Giám đốc CII cho rằng, nếu có thiện chí mời gọi nhà đầu tư nước ngoài thì chỉ nên thực hiện ở những dự án mới, đáp ứng tiêu chí người muốn đi đường tốt thì phải trả tiền. Việc chọn nhà đầu tư phải tổ chức đấu thầu quốc tế, từ bước lập dự án đầu tư.

Riêng về khâu giải phóng mặt bằng, ông Bình đề xuất nhà nước phải bỏ tiền ra và xem đó là vốn góp, nhà đầu tư nước ngoài không thể thực hiện việc này. Bên cạnh đó, cần cho phép nhà đầu tư FDI có quyền chọn luật áp dụng phù hợp nhất.

Đối với mức phí và thời gian thu phí, chính phủ cần kích thích nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư mạo hiểm thì mức giá thu phí phải xác định trước trong suốt dự án; xác định thời gian thu phí tối thiểu và không khống chế thời gian thu phí tối đa cũng như giao khoán chi phí quản lý doanh thu, quản lý cơ sở…/.

Theo nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên