MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ đô 2016-2020: Cổ phần hóa Rạp tháng 8 và nhiều công viên

Giai đoạn 2016 - 2020, UBND Tp. Hà Nội đặt kế hoạch cổ phần hóa 16 doanh nghiệp và thoái vốn đầu tư tại 96 doanh nghiệp. Giá trị thoái hơn 4.000 tỷ. Trong đó không ít doanh nghiệp với lợi thế về đất đai như Nikko Hà Nội; Rose Garden Residences; Sun Grand City...

UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Theo chủ trương đã được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thông qua trước đó, UBND Tp. Hà Nội với vai trò cổ đông Nhà nước chỉ tham gia nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp theo quy định nhà nước nắm cổ phần chi phối (trên 50% vốn điều lệ), đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần thì bán hết; lựa chọn thời điểm thích hợp bán cổ phần để có hiệu quả. Tổng cộng trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội dự kiến cổ phần hóa 16 doanh nghiệp và thoái vốn tại 96 doanh nghiệp.

Rạp chiếu phim, công viên cũng cổ phần hóa

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội sẽ triển khai cổ phần hóa 5 Tổng công ty; 4 công ty hoạt động theo hình thức mẹ -con và 7 công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước độc lập.

UDIC (Tcty Đầu tư PTĐT UDIC), Handico (Tcty Đầu tư & PT nhà Hà Nội), Hanoi Tourists (Tcty Du lịch Hà Nội), Transerco (Tcty Vận tải Hà Nội) Hapro và Hawaco (Nước sạch Hà Nội) là những doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn nhất, lên tới cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ông lớn, có một số doanh nghiệp bị âm vốn chủ sở hữu trong danh sách cổ phần hóa.

Cty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội đang quản lý Rạp tháng 8 sở hữu vị trí đắc địa tại khu vực nội đô thành phố Hà Nội, nhưng hiện vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đến cuối năm 2015 chỉ khoảng hơn 26 tỷ đồng.

Một loạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công cộng cũng sẽ được cổ phần hóa như Thoát nước Hà Nội, Môi trường Đô thị Hà Nội hay các doanh nghiệp được giao quản lý công viên như Cty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ), Cty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, Cty TNHH Công viên Cây Xanh Hà Nội,... Theo kế hoạch, công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng) vốn trực thuộc Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Cty TNHH Công viên Cây xanh Hà Nội, đồng thời thành phố sẽ cho phá sản doanh nghiệp Cty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội.

Phương án này đã được thông qua trong giai đoạn 2011-2015 nhưng vẫn chưa thực hiện. Ngoài ra, một số công việc khác còn tồn tại giai đoạn trước đã được chuyển sang giai đoạn 2016-2020 như cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Haprosimex; phá sản Công ty Kỹ thuật điện thông; bán cửa hàng lương thực số 60 phố Ngô Thì Nhậm.

Sẽ thoái sạch vốn tại nhiều "con gà đẻ trứng vàng"

Theo kế hoạch được UBND Tp. Hà Nội công bố, sẽ có 96 doanh nghiệp lọt nhóm doanh nghiệp mà Tp. Hà Nội triển khai thoái vốn nhà nước đầu tư có 30 doanh nghiệp trực tiếp do UBND Hà Nội nắm giữ vốn và 66 doanh nghiệp do đơn vị trực thuộc UBND Tp. Hà Nội nắm giữ.

Tổng giá trị phần vốn góp dự kiến thóai vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là giá trị phần vốn góp tính theo mệnh giá. Tuy nhiên, nếu tính theo giá trị thị trường, phần vốn góp này có thể sẽ không dừng lại ở con số trên. Nhiều khoản đầu tư tính theo giá thị trường hiện nay đã tăng lên đáng kể.

Điển hình như một số doanh nghiêp trực thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội mà UBND Tp. Hà Nội yêu cầu thoái. Bên cạnh doanh nghiệp vận tải, đáng chú ý, Tổng công ty Vận tải Hà Nội còn đang nắm những con gà đẻ trứng vàng liên quan đến bất động sản như Khách sạn Nikko Hà Nội (thuộc quản lý của Công ty Liên doanh Sakura Hanoi Plaza; Rose Garden Residences (khu căn hộ dịch vụ tại 170 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội, đang được quản lý bởi Cty TNHH Phát triển Giảng Võ) hay một dự án "đất vàng" đang được triển khai trên đường Thụy Khuê.

Công ty Liên doanh Sakura Hanoi Plaza là liên doanh được thành lập từ năm 1996 giữa Transerco và Sakura Hanoi Plaza Investment Co., Ltd., được thành lập bởi 20 công ty Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Sau 20 năm, hiện vốn điều lệ của liên doanh này là 279 tỷ đồng, trong đó, Tổng công ty này nắm 13,7% vốn tương đương giá trị phần vốn góp 38,22 tỷ đồng. Transerco nắm giữ 35% vốn điều lệ của Cty TNHH Phát triển Giảng Võ, đơn vị quản lý Rose Garden Residences. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này đến nay là hơn 99 tỷ đồng. Giá trị phần vốn góp tính theo mệnh giá đạt 34,7 tỷ đồng.

Transerco hiện đang nắm giữ 26% vốn CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Hồ Tây. Trước đây, khu đất xấp xỉ 1,52 ha tại 69B Thụy Khuê là một ga xe điện trực thuộc Xí nghiệp Xe điện Hà Nội. Hiện doanh nghiệp này đang là chủ đầu tư dự án Sun Grand City Thuy Khue Residence (69B Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Vingroup đã từng nắm giữ 70% vốn tại đây nhưng sau đó đã chuyển nhượng hết. Sungroup hiện đang tham gia vào dự án có vị trí đắc địa gần Hồ Tây này.

Cùng với những con gà đẻ trứng vàng này, Hà Nội sẽ bán hết vốn tại nhiều doanh nghiệp truyền thống như Hanel, Điện cơ Trần Phú, Giầy Thượng Đình, Giày Thụy Khuê, Kim khí Thăng Long, Dệt Minh Khai, Dệt 19/5,…

Theo Ngọc Linh

Người đồng hành

Trở lên trên