MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thử nghiệm đến 1.000 thói quen buổi sáng, tôi rút ra bài học đắt giá: Dù có chăm chỉ tập thể dục nhưng tâm trạng luôn lo lắng, buồn chán thì làm gì cũng vẫn tệ

14-01-2020 - 02:17 AM | Sống

Chỉ có một cách để vượt lên trước phần còn lại của thế giới, đó là bạn phải bắt đầu cuộc đua với tinh thần cao nhất trước khi những người khác nghĩ về tách cà phê sáng của họ.

Tình trạng bận rộn suốt ngày nhưng không việc gì hiệu quả đang ăn mòn bạn. Dù có cố gắng thế nào, bạn cũng sẽ không bao giờ bứt phá được. Mỗi ngày không làm việc hiệu quả sẽ khiến bạn thụt lùi xa hơn so với những thứ bạn có thể đạt được.

Từ khi bắt đầu nghiêm túc với việc tìm cách để làm việc hiệu quả hơn, tôi đã thử qua hơn 1.000 thói quen buổi sáng. Từ trải nghiệm của bản thân và cả những người xung quanh - những người làm việc cực kỳ hiệu quả, tôi đã chứng thực được sự kỳ diệu của thói quen bắt đầu ngày mới. Cách bạn bắt đầu ngày mới sẽ quyết định hiệu suất cả ngày của bạn.

Tôi phải mất vài năm để thực sự có được sự nhất quán với những thói quen buổi sáng. Nhưng sự kiên trì đó đã được đền đáp. Trong quá trình đó, những sai lầm đã xảy ra và cũng có những bài học sâu sắc mà tôi sẽ chia sẻ với bạn:

Thử nghiệm đến 1.000 thói quen buổi sáng, tôi rút ra bài học đắt giá: Dù có chăm chỉ tập thể dục nhưng tâm trạng luôn lo lắng, buồn chán thì làm gì cũng vẫn tệ - Ảnh 1.

1. Buổi sáng bắt đầu từ giấc ngủ đêm qua

Kẻ làm ảnh hưởng nhiều nhất đến những buổi sáng không gì khác chính là việc đi ngủ không đúng giờ. Thường thì bạn ngủ rất muộn do loanh quanh làm việc này việc kia, nhưng ngay cả những ngày đi ngủ sớm thì bạn cũng vẫn thấy mệt mỏi thôi. Tất cả là do giờ ngủ không đều làm rối loạn nhịp sinh học.

Nếu một buổi sáng có thể làm ảnh hưởng đến cả một ngày dài thì những gì bạn làm vào tối hôm trước cũng hoàn toàn có thể tác động đến sáng mai thức dậy. Không chỉ ngủ đủ 7-9 giờ, bạn còn cần có một giấc ngủ chất lượng. Đây là một số cách bạn có thể làm vào tối hôm trước để có một buổi sáng tỉnh táo, phấn chấn:

- Chuẩn bị trước bất cứ thứ gì bạn sẽ cần cho sáng hôm sau, như đồ ăn nhẹ, túi tập thể dục…

- Không uống rượu trước khi đi ngủ 2 tiếng.

- Không ăn no vào đêm muộn.

- Hạn chế tiếp xúc ánh sáng xanh (từ máy tính, điện thoại…).

- Giải phóng tâm lý mệt mỏi bằng cách viết ra những suy nghĩ hoặc mối quan tâm lo lắng.

Để có một giấc ngủ êm và sâu, bạn nên thực hiện từng bước nhỏ một để từ từ chìm vào giấc ngủ như đọc sách hay trò chuyện với vợ/chồng hoặc con cái…

2. Kiên trì yêu cầu sự nhất quán

Thử nghiệm đến 1.000 thói quen buổi sáng, tôi rút ra bài học đắt giá: Dù có chăm chỉ tập thể dục nhưng tâm trạng luôn lo lắng, buồn chán thì làm gì cũng vẫn tệ - Ảnh 2.

Bạn có thường cảm thấy uể oải và ngần ngại khi bắt đầu làm một việc gì đó mới không? Tâm trí chúng ta thường tự “bịa” ra rất nhiều lý do để hợp lý hóa sự trì hoãn và để cho nó tự trôi đi. Buổi sáng càng là thời điểm thích hợp cho sự trì hoãn đó bởi bạn chưa thực sự tỉnh táo.

Nhưng nếu muốn hình thành một thói quen tốt, bạn cần thực hiện nó ngay bây giờ. Bạn cần phải làm, dù nó có thể chưa đủ và đúng như mong muốn nhưng vẫn phải làm. Ví dụ đơn giản như việc thức dậy đúng giờ mỗi ngày, kể cả chủ nhật. Nếu ngày chủ nhật mà ngủ nướng, nó sẽ ảnh hưởng đến ngày thứ hai hôm sau và gây nên một sự trì trệ không nên có.

Bạn cần có một sự kiên trì và khởi đầu với sự kiên quyết. Sau 1 tuần thực hiện đúng như dự định, nó sẽ dần trở thành thói quen mỗi ngày.

3. Linh hoạt hóa những thói quen

Đã là thói quen thì nó sẽ phải giống nhau. Nhưng trong quá trình thực hiện, bạn có thể “thêm thắt” để hình thành những thói quen, sở thích mới.

Ví dụ như bạn thường tập thể dục từ 6 – 6h45, nhưng mỗi ngày có thể tập các loại bài tập khác nhau. Nếu thứ 2 và thứ 4 để chạy bộ thì thứ 3 và 5 dành cho gym.

Làm theo cách này sẽ giúp thói quen tập thể dục mỗi sáng được giữ mà không gây nhàm chán. Nó giữ cho mọi thứ mới lạ và không làm rối tung thói quen mà bạn đã rất siêng năng trau dồi. Lý tưởng nhất là nó cho bạn sự phấn khích ngay khi vừa thức dậy với sự mong đợi được làm những điều mới mẻ.

4. Tập trung, hoặc quên nó đi

Có rất nhiều yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến sự tập trung, mà nhiều nhất bây giờ là smartphone với các ứng dụng mạng xã hội. Bạn có thừa nhận những việc đầu tiên mình làm sau khi ngủ dậy thường là mở facebook hoặc instagram, xem email...

Nếu không muốn những thói quen buổi sáng bị “làm phiền”, bạn nên cất điện thoại ở xa phòng ngủ hoặc xóa bỏ các ứng dụng, chặn các trang web đó…

Điều quan trọng là phải tuân thủ và tôn trọng các thói quen. Đừng làm gì nếu nó không phải là một phần của thói quen đó. Nếu bạn đột nhiên thấy mình đang làm sai, hãy nghiêm khắc dừng lại

5. Vận động

Có nhiều hình thức vận động, nhưng bạn cần hiểu là đó là hoạt động để đánh thức các cơ bắp và tâm trí khỏi giấc ngủ mơ hồ. Có người thích chạy, có người đi tập gym nhưng cũng có người chỉ thích ngồi massage hoặc xoa bóp…

Tùy thể trạng mỗi người mà chúng ta có cách vận động khác nhau. Ví dụ với một người có sự trao đổi chất cao thì việc tập thể dục với một chiếc bụng đói meo sẽ khiến cả ngày hôm sau mệt mỏi. Vì thế, bạn chọn tự xoa bóp vì cảm thấy cơ thể chỉ cần thế thôi là đủ.

Hãy lựa chọn hình thức vận động trước từ tối qua để sáng hôm sau không lãng phí thời gian quý giá và việc suy nghĩ rồi lại thoái chí nản lòng.

6. Hướng đến những vấn đề có ý nghĩa

Thử nghiệm đến 1.000 thói quen buổi sáng, tôi rút ra bài học đắt giá: Dù có chăm chỉ tập thể dục nhưng tâm trạng luôn lo lắng, buồn chán thì làm gì cũng vẫn tệ - Ảnh 3.

Một trong những lợi ích lớn nhất của việc có thói quen buổi sáng phù hợp là khả năng làm việc sâu, tập trung với một không gian yên tĩnh và không có những tác nhân gây “nhiễu”.

Tuy thuộc vào thời điểm bạn thức dậy nhưng hoàn toàn có thể có đến 2 tiếng để tập trung sâu như vậy trước khi ăn sáng, để làm việc với một tâm thế thoải mái, sảng khoái và hào hứng.

Hãy thử tưởng tượng bạn làm điều đó hàng ngày. Rồi hàng tuần, hàng tháng và hàng năm. Bạn sẽ ngạc nhiên vì nó chắc chắn sẽ đem đến cho bạn công việc chất lượng, sự hào hứng và tự tin cao. Và bạn sẽ sẵn sàng đối diện với cơn bão cuộc đời nếu biết mình đã chinh phục được khoảnh khắc đầu tiên của ngày.

7. Quan tâm đến sức khỏe tinh thần

Dù bạn dậy sớm, bạn chăm chỉ tập thể dục, bạn ngủ đủ giấc nhưng nếu tâm trạng luôn trong trạng thái lo lắng, buồn chán… thì có làm gì cũng vẫn thấy tệ.

Sức khỏe tinh thần là một điều thường xuyên bị bỏ qua, và điều này là vô cùng sai lầm. Có nhiều cách để giải tỏa những sự uất ức và mệt mỏi trong tinh thần, như viết nhật ký, ngồi thiền hay đi dạo ngoài trời… Bạn cũng có thể đọc các sách về tâm linh, triết học hoặc nghe sách nói về những mục tiêu mình đang hướng tới. 

Vào đầu ngày, khi bạn cảm thấy khó khăn trước một vấn đề gì đấy thì việc viết nó ra sẽ giúp kết nối mang tính xây dựng với những suy nghĩ, cảm xúc để ngày hôm đó bạn có thể mạnh dạn giải quyết nó.

8. Đừng làm một việc quá nhiều cho dù nó tốt

Ai cũng biết đi bộ 3 tiếng trước khi ăn sáng là tốt. Hay ngồi thiền 3 tiếng có thể thay đổi cuộc sống… Tôi cũng đã thử hết những việc đó và rồi nhận ra, nó chỉ tốt khi bạn cân bằng được giữa thể chất và tâm trí, trái tim.

Bạn có thể (và nên) sáng tạo cũng như kết hợp những điều tốt đó lại với nhau một cách hài hòa.

* Chia sẻ của James Everett - Blogger chuyên viết về công việc, doanh nhân; thích tập thể dục và yêu thiên nhiên trên Medium.

Hoàng Lan

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên