MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thủ phủ" tôm sạch Bạc Liêu

07-10-2019 - 10:50 AM | Thị trường

Tỉnh Bạc Liêu đang dồn toàn lực và thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào ngành công nghiệp tôm để hiện thực hóa mục tiêu trở thành "thủ phủ" ngành tôm trong thời gian không xa.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu diễn ra ở TP HCM vào đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phấn đấu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Kỳ vọng 1 tỉ USD/năm

Chỉ đạo này của Thủ tướng cũng đã được quán triệt tại Thông báo 135/TB-VPCP ngày 9-4, với mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu tôm Bạc Liêu đạt 1 tỉ USD/năm.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành "thủ phủ" tôm như kỳ vọng của Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh thu hút đầu tư cho lĩnh vực này, với nhiều dự án lớn đã và đang triển khai. Điển hình là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc với 2 khu sản xuất phức hợp 500 ha tại 2 xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) và Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, triển khai từ năm 2018. Đây là mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất con giống, nhà máy chế biến thức ăn, quản lý nuôi cho đến chế biến hàng xuất khẩu và trở thành dự án nuôi tôm sạch lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.

Thủ phủ tôm sạch Bạc Liêu - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm nuôi trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Đến nay, Bạc Liêu đã có trên 10 tập đoàn sản xuất tôm công nghệ cao như thế, với tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Cách làm của doanh nghiệp cũng nhanh chóng được nhân rộng ra cộng đồng dân cư với hơn 1.200 ha đang được các hộ nuôi áp dụng quy trình công nghệ cao.

Theo ông Phan Thanh Điền, người nuôi tôm ở huyện Hòa Bình, những năm gần đây, kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao phát triển và lan tỏa rất mạnh ở Bạc Liêu với hàng chục mô hình sáng tạo phù hợp với đặc điểm từng vùng. Nhờ đó mà trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm của người nông dân nâng lên đáng kể, ít rủi ro.

Nhờ đột phá ứng dụng công nghệ cao, hiện tại, tuy đứng sau tỉnh Cà Mau về vùng nguyên liệu nhưng diện tích nuôi tôm bằng công nghệ cao của tỉnh Bạc Liêu xếp đầu cả nước. Trên cơ sở này, tỉnh đang tập trung xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh và trong khu vực.

Không chỉ vậy, Bạc Liêu cũng là tỉnh tiên phong trong việc xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu tôm. Mới nhất là ngày 3-10 vừa qua, UBND tỉnh Bạc Liêu ký kết hợp tác với Tập đoàn FLC, Tập đoàn Việt - Úc về xây dựng, quảng bá và phát triển các thương hiệu tôm từ Bạc Liêu.

Xây dựng thương hiệu

Tại hội nghị sơ kết đánh giá và định hướng quảng bá tôm Bạc Liêu gắn với liên kết phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp diễn ra tại Bạc Liêu ngày 3-10, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, cho biết gần đây có rất nhiều đoàn khách nước ngoài tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Bạc Liêu. Họ đánh giá cao các mô hình nuôi và sản xuất tôm sạch ở tỉnh và sẵn sàng làm cầu nối để phát triển thương hiệu tôm Bạc Liêu ra nước ngoài. "Ngay thị trường nội địa với gần 100 triệu dân cũng rất quan trọng. Chúng tôi cũng muốn kết hợp với các ngành để làm sao đưa thương hiệu tôm Bạc Liêu lan tỏa cả nước và khách đến Bạc Liêu là sẽ tìm đến tôm Bạc Liêu" - ông Văn nói.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cũng kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho cơ chế và chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương xây dựng đề án nhận diện hình ảnh tỉnh Bạc Liêu thông qua thương hiệu con tôm Bạc Liêu. "Để làm được điều này, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ tỉnh Đồng Tháp với việc xây dựng đề án tạo thương hiệu của tỉnh, tầm nhìn là "Vì một Đồng Tháp nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái" thông qua hình ảnh chủ đạo là sen hồng, đã phát huy hiệu quả rất cao. Giờ đây, khi nhắc đến Đồng Tháp, mọi người đều nghĩ đến vùng đất sen hồng. Bạc Liêu cũng nên làm như thế, dùng thế mạnh của con tôm" - bà Vân đề xuất.

TS Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho rằng ngành tôm Việt Nam đang vướng vào sức cạnh tranh khốc liệt. Những quốc gia nuôi tôm phát triển mạnh như Ecuador, Ấn Độ đang ứng dụng công nghệ nuôi tôm sạch, không sử dụng kháng sinh nhưng giá thành thấp hơn nên Việt Nam khó cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU. Nếu chúng ta không nỗ lực sẽ khó đạt kim ngạch 10 tỉ USD vào năm 2025.

Từ thực tiễn trên, ông Như Văn Cẩn đánh giá rất cao việc tỉnh Bạc Liêu xác định hướng đi bền vững về đột phá công nghệ nuôi tôm sạch gắn với mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu, tạo nền tảng xây dựng thương hiệu tôm quốc gia. "Phải nhìn nhận rằng công tác sản xuất của ta tốt, trong khi công tác phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm còn yếu. Thương hiệu quyết định giá trị đầu ra của sản phẩm nên xây dựng thương hiệu phải gắn với tiêu chuẩn, gắn với đặc thù văn hóa địa phương để quảng bá tốt thương hiệu của chúng ta. Theo đánh giá của chúng tôi, Bạc Liêu đã định vị được cách làm này" - ông Cẩn đúc kết.

Sẽ có chợ tôm online

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết lâu nay, ngành tôm luôn bị thị trường cắt khúc; người sản xuất không biết người mua ở đâu, người mua không biết người bán ở chỗ nào. "Để giải quyết bài toán này, tỉnh đã kết hợp với doanh nghiệp xây dựng chợ tôm trên mạng. Dự kiến cuối năm nay, chợ tôm online chính thức ra đời. Khi đó, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh quảng bá để làm sao cho bà con biết chợ tôm này và người bán, người mua sẽ gặp nhau tại đây, không cần qua trung gian" - ông Trung nói.

Cũng theo ông Dương Thành Trung, sắp tới đây, tỉnh Bạc Liêu hợp tác đưa sản phẩm tôm vào các chuỗi nhà hàng của Tập đoàn FLC. "Chúng tôi đã có logo tôm Bạc Liêu và đang nghiên cứu chọn khẩu hiệu. Với sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà đầu tư cùng với nỗ lực của địa phương, tôi tin rằng Bạc Liêu sẽ trở thành thủ phủ tôm trong thời gian không xa" - ông Trung kỳ vọng.

Theo Duy Nhân

Người lao động

Trở lên trên