MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ Công thương: Tôi thấy thủ tục ở Việt Nam rất đơn giản

"Đưa một mặt hàng vào lưu thông ở các nước phát triển khó khăn hơn ở Việt Nam rất nhiều. Tôi thấy thủ tục ở Việt Nam rất đơn giản, cần 15 ngày để doanh nghiệp nộp công bố chất lượng sản phẩm và được xác nhận hợp quy".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã cho biết như vậy tại cuộc đối thoại nhằm giải quyết ngay các kiến nghị của doanh nghiệp thủy sản sáng 13/5.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có 3 kiến nghị chủ yếu liên quan đến các quy định về công bố hợp quy và chuẩn an toàn thực phẩm.

Theo đó, VASEP kiến nghị bỏ toàn bộ quy định của Nghị định 38 về công bố phù hợp về ATTP với lý do Luật An toàn thực phẩm (ATTP) không quy định, dẫn theo một số quy định và đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khi mất thời gian tới 15 ngày, không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp nhận văn bản công bố hợp quy về an toàn thực phẩm, giảm thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp giấy chứng nhận hợp quy về ATTP.

Kiến nghị thứ ba liên quan đến phân công trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương trong việc tiếp nhận bản công bố hợp quy thuộc lĩnh vực, nhóm mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo nguyên tắc 1 cửa, 1 doanh nghiệp chịu sự quản lý của một bộ.

Ngay sau khi nghe các bộ ngành trả lời các kiến nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh về kinh nghiệm quốc tế, xem trong chừng mực của Việt Nam thì nên làm như thế nào.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng: Tôi nghĩ chúng ta không muốn học kinh nghiệm của quốc tế đâu.

"Tôi xin lấy ví dụ, Phó thủ tướng và mọi người chắc còn nhớ câu chuyện một cá nhân người Việt Nam mua lại 1 thị trấn ở Mỹ và bán cà phê tại đó, họ đã mất 9 tháng để xin giấy phép bán cà phê", Thứ trưởng Khánh nói.

Theo Thứ trưởng Khánh, nói như vậy để thấy đưa một mặt hàng vào lưu thông ở các nước phát triển khó khăn hơn ở Việt Nam rất nhiều. Ông Khánh cho rằng, thủ tục ở Việt Nam rất đơn giản, cần 15 ngày để doanh nghiệp nộp công bố chất lượng sản phẩm và được xác nhận hợp quy.

Tuy nhiên, theo quan điểm ông Khánh, có hai việc có thể học được từ kinh nghiệm các nước phát triển. Thứ nhất, mặc dù hồ sơ xem xét rất lâu, phức tạp nhưng về thành phần hồ sơ được minh bạch hóa tối đa, gồm những hồ sơ nào, hơn nữa hồ sơ rất dễ hiểu, dễ điền thông tin, bảo đảm không nhầm lẫn được. Còn ở Việt Nam, quy định doanh nghiệp có năng lực bảo đảm sản phẩm sản xuất là sạch sẽ, thành phần hồ sơ chứng minh bảo đảm an toàn thực phẩm, đưa lên chứng từ thì mỗi người có một kiểu chứng minh.

Hơn nữa, theo ông Khánh, có 2 thời hạn, thời hạn thứ nhất là đủ hồ sơ chưa và thời hạn xem xét hồ sơ đã đủ rồi là bao lâu. Ví dụ thời hạn 15 ngày thì với một số công chức không thực sự thành tâm với doanh nghiệp, họ đợi 15 ngày rồi nói là không đủ.

Kinh nghiệm thứ hai, ông Khánh cho biết, ở các nước phát triển thì doanh nghiệp sản xuất không tự đi làm các thủ tục. Chúng ta đã học ở nhiều nước việc này và triển khai trong 2 lĩnh vực là hải quan và thuế.

"Ví dụ khai hải quan có rất nhiều công ty khai thuê hồ sơ chuyên nghiệp, khi nộp vào không có chuyện trả lại. Về lĩnh vực thuế, không ai thạo về thuế cả, cũng có các công ty chuyên đi kê khai thuế.

Trong lĩnh vực ATTP sẽ càng ngày càng phức tạp, đất nước càng phát triển thì người dân càng quan tâm tới vấn đề VSATTP, do đó hồ sơ ngày càng phức tạp, từ dư lượng kháng sinh, hàm lượng vi sinh đến kim loại nặng…

Doanh nghiệp không làm được nếu không có phòng ban chuyên môn chuyên sâu về lĩnh vực này. Do đó, nên có các công ty đi làm việc đó cho doanh nghiệp, từ đó rút ngắn thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp", ông Khánh nói.

Theo N.Mạnh

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên