MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư: Không có quyền lực một phía khi soạn thảo Luật Quy hoạch

Ông Đặng Huy Đông đã phát biểu như vậy tại Hội thảo về dự thảo Luật Quy hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 4/4.

Quy hoạch của 20 "chính phủ" và 63 "quốc gia"

Để được xây nhà, người dân và doanh nghiệp phải tiến hành rất nhiều bước. Tra cứu xem mảnh đất của mình có thuộc khu vực đất ở không ở cơ quan Tài nguyên và Môi trường là bước đầu tiên. Bước tiếp theo, người dân và doanh nghiệp cần tới cơ quan xây dựng để xem quy hoạch hạ tầng. Nếu mảnh đất thuộc khu đất ở nhưng theo bản vẽ của cơ quan xây dựng là một con đường, việc xây nhà sẽ bị dừng lại. Sự mâu thuẫn trong các quy hoạch làm nảy sinh vấn đề tiêu cực - “chạy bản vẽ”.

Câu chuyện cũng diễn ra tương tự với một tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên từng cho biết có tới 200 quy hoạch trên địa bàn nhỏ bé của tỉnh. Điều đáng ngạc nhiên là những quy hoạch do trung ương và địa phương lập nên rất ít khi được rà soát. Điều đó dẫn đến chuyện “quy hoạch trống quy hoạch, quy hoạch chồng quy hoạch” đã được nhắc tới nhiều năm nay.

PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng cách thức lập quy hoạch ở Việt Nam không giống với bất cứ nơi nào trên thế giới. Ở đây, mỗi bộ ngành và địa phương làm một quy hoạch. Hệ quả tất yếu là sự chồng chéo không đáng có

“Hơn 20 bộ là 20 chính phủ, cũng như 63 tỉnh là 63 quốc gia. Ai làm quy hoạch thì rất thích. Nhưng người dân không chịu nổi nữa. Có quá nhiều quy hoạch không biết làm thế nào. Không cải cách sẽ chết” – PGS.TS Trần Trọng Hanh nói.

Theo quan điểm của PGS.TS Trần Trọng Hanh, việc ban hành Luật Quy hoạch không còn là việc nên làm mà đã trở đã trở thành việc cấp thiết. Ông cho rằng quy hoạch xây dựng ra đời ở nước ta từ những năm 1990 nhằm phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, ở đó Nhà nước phải quy hoạch chi tiết tới từng khu đất, ngôi nhà. Nhưng cách làm ấy không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện tại.

Thực tế hiện nay đòi hỏi một quy hoạch thống nhất cho cả nước. Phương pháp tích hợp đa ngành được coi là chìa khóa để giải quyết vấn đề chồng chéo quy hoạch. Một cách đơn giản có thể hiểu đó như việc xếp chồng các quy hoạch lên nhau nếu có những điểm không trùng khớp thì phải tiến hành sửa chữa ngay trên giấy, tránh xây dựng rồi điều chỉnh và đập bỏ.

Không có chuyện quyền lực một phía

Là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị dự thảo Luật Quy hoạch. Nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ ba (5/2017), đây sẽ là văn bản mạnh, thay đổi hẳn cách quản lý quy hoạch hiện tại và giải quyết triệt để vấn đề liên kết vùng. Bởi lẽ, việc thiết lập một quy hoạch tổng thể được ưu tiên thực hiện trước các quy hoạch ở quy mô nhỏ hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới cũng sẽ chấm dứt câu chuyện bộ ngành tự động điều chỉnh. Việc điều chỉnh quy hoạch cần thông qua một hội đồng gồm đại diện tất cả các bộ ngành, chuyên gia về kinh tế, xã hội, môi trường,... cùng tham gia tranh luận. Dự thảo Luật cũng có những chương, điều khắc phục tình trạng quy hoạch ưu tiên lợi ích cho bộ ngành, doanh nghiệp lớn, đảm bảo công bằng cho mọi thành phần kinh tế.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bỏ Quy hoạch Kinh tế - Xã hội 5 năm hiện tại khi Luật Quy hoạch được thông qua. Trong vòng 2 năm sau khi được ban hành bản Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được công bố công khai.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại là đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Quy hoạch, liệu có hay không chuyện tranh giành quyền lực từ các bộ khác. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã phủ nhận việc tranh giành lợi ích trong quản lý quy hoạch. Theo đó, việc Bộ này soạn thảo Luật Quy hoạch là ý kiến của Chính phủ.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo. Không có quyền lực một phía. Luật được soạn thảo không nhằm giành quyền lợi về bên nào” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Ông Đặng Huy Đông cho biết ban soạn thảo dự thảo Luật Quy hoạch gồm thành viên của các bộ ngành và chuyên gia độc lập. Tập dự thảo đã trình lên UBTV Quốc hội là thành quả của nhiều người, trong đó phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đóng góp 1 tiếng nói.


“Tôi làm vì quốc dân đồng bào. Có tiền cũng không mua chuộc được tôi” – ông Trần Trọng Hanh thẳng thắn

“Tôi làm vì quốc dân đồng bào. Có tiền cũng không mua chuộc được tôi” – ông Trần Trọng Hanh thẳng thắn

Khẳng định các điều trong dự thảo luật Quy hoạch đều là sự tổng kết khách quan tri thức khoa học thế giới, PGS.TS Trần Trọng Hanh (thành viên ban soạn thảo) nói rằng ông cũng không hề bị mua chuộc hay phải chịu sức ép từ phía nào. Ông Trần Trọng Hanh từng là một quân nhân.

“Tôi làm vì quốc dân đồng bào. Có tiền cũng không mua chuộc được tôi” – ông Trần Trọng Hanh thẳng thắn.

PGS.TS Trần Trọng Hanh cho biết, lợi ích chung luôn được các thành viên ban soạn thảo nêu cao. Lợi ích có thể thấy rõ khi Luật được ban hành. Doanh nghiệp và người dân sẽ không phải “chạy quy hoạch”. Quy hoạch tổng thể sau khi rà soát sẽ được công bố công khai để người dân và doanh nghiệp được rõ. Trước đó, đại diện của người dân cũng được tham gia vào hội đồng tranh luận với tư cách thành viên chính thức để đưa ra quy hoạch.

Tương lai là vậy, hiện tại PGS.TS Trần Trọng Hanh đang chuẩn bị cho phiên giải trình sáng 5/4 tại UBTV Quốc hội. Lo lắng của ông Hanh là nhiều người dân còn chưa hiểu về Luật Quy hoạch, khiến một số đại biểu có những ý kiến không đồng tình.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên