MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng cũng bắt taxi đi làm: Có giải quyết gốc rễ vấn đề lãng phí xe công?

Chi phí cho hơn 37.000 xe công đã tiêu tốn của ngân sách hơn 1 tỷ USD mỗi năm nên việc khoán xe công là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi hiệu quả việc khoán xe công và xem đây chỉ là giải pháp tức thời nếu như không giải quyết gốc rễ câu chuyện là hệ thống xe công đang khá “đồ sộ” như hiện nay.

Chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công được Bộ Tài chính đưa ra để áp dụng đối với Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) trực thuộc Bộ.

Theo đó, từ ngày 1/10 Bộ này sẽ khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến mức cao nhất là 9,9 triệu đồng/người/tháng cho 6 vị Thứ trưởng. Như vậy, với mức khoán này thì mỗi tháng số tiền chi ra cho các Thứ trưởng của Bộ Tài chính là 44,22 triệu đồng.

Đáng chú ý, mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được xác định trên đơn giá khoán nhân với số ngày làm việc trong tháng của các lãnh đạo. Đơn giá này được xác định theo mức giá của các hãng xe taxi (loại 4 chỗ ngồi) phổ biến trên thị trường.

Tiết kiệm đáng kể kinh phí?

Cụ thể, số km khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc, với số lượt đưa đón là 02 lượt đi và về và số ngày làm việc thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động là 22 ngày.

Một lãnh đạo cấp Thứ trưởng thực hiện chế độ khoán xe công cho biết, theo quy định này thì sẽ phải tự túc trong việc đi lại từ nhà đến cơ quan việc. Tuy nhiên, khi đi làm việc hoặc công tác thì Bộ Tài chính sẽ phân công xe để chở lãnh đạo. Việc khoán xe công cũng đồng nghĩa với việc sẽ không phát sinh việc mua thêm xe mới.

Chưa tiết lộ cụ thể việc khoán xe công này có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho ngân sách, nhưng một lãnh đạo cấp vụ khi trả lời chúng tôi thông tin rằng chi phí phục vụ cho việc đưa đón xe từ nhà đến cơ quan hiện đang rất tốn kém bởi ngoài tiền xăng xe, còn phải chi cho lái xe phục vụ cùng nhiều khoản kinh phí khác…

Khá đồng tình với chủ trương khoán xe công khi cho rằng Bộ Tài chính là cơ quan giữ tiền ngân sách của Nhà nước mà đi tiên phong trong việc khoán xe là khá tốt, song bà Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng cần có cơ chế khoán phù hợp hơn. Bởi hiện nay cơ chế tính theo km là có thể khiến cho việc quản lý khó hoặc phát sinh những bất cập.

“Cách tính quá chi tiết từ nhà của mỗi người về cơ quan bao xa thì sẽ thế nào, như thế sẽ gây phiền toái. Tại sao không khoán tỷ lệ lương hoặc cấp bậc bằng con số tuyệt đối nào đó, hơn là mức khoán km. Nhất là khi áp dụng rộng ra cho các bộ và địa phương cả nước, thì rất khó” – bà Lan lo ngại.

Bên cạnh đó, cần linh hoạt trong việc sử dụng xe công. Trong trường hợp các lãnh đạo đi họp thì cần chủ động cho điều xe để đón lãnh đạo tại nhà, thay vì bắt taxi đến cơ quan để tránh lãng phí. Hoặc khi đi công tác thì thực hiện theo chế độ chung nhưng có thể sắp xếp cho các Thứ trưởng và cán bộ cấp cục vụ đi xe chung, để giảm số lượng xe.

Khoán phải thực chất

Do đó, bà Lan cho rằng việc khoán xe công theo km có thể làm giảm tiền xe, đi lại của các quan chức nhưng hiệu quả đến đâu, thực hiện như thế nào thì cần phải minh bạch rõ ràng. Đồng thời, cần giải quyết vấn đề gốc rễ đặt ra là có một số lượng lớn xe công đang tồn tại, với chi phí quá lớn thì cũng chưa đưa ra phương án giải quyết phù hợp.

Ngoài ra, tình trạng còn nhiều đơn vị, cá nhân vẫn chi tiêu quá chế độ đối với xe công. Bà Lan chỉ ra thực tế là có không ít đơn vị mua xe cao hơn so với tiêu chuẩn được hưởng. “Không ít lần Bộ Tài chính báo cáo trước Quốc hội về chi trội lên trong mua sắm xe, vượt mức quy định” – bà Lan dẫn chứng nêu.

Hiện Bộ Tài chính nói thừa tới 4.000 xe công, song cứ nhiệm kỳ mới cán bộ lên thay lại “đòi” sắm xe mới và không đi xe cũ. Đây cũng là vấn đề cũng cần phải được giải quyết bên cạnh việc có chính sách khoán xe công phù hợp cho các lãnh đạo.

Thống kê của Bộ Tài chính cho biết hiện cả nước có 37.000 xe công, chi phí cho mỗi ô tô công tương đương 320 triệu đồng/năm. Như vậy, ước tính mỗi năm Ngân sách Nhà nước phải bỏ ra để nuôi xe công lên tới gần 23.000 tỷ đồng. Chính đại diện Bộ Tài chính cũng từng thừa nhận, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc bỏ ra số tiền lớn như vậy để nuôi xe công là điều bất hợp lý.

“Cần phải có cách để việc sử dụng xe công theo cơ chế thị trường, thực sự tiết kiệm và hiệu quả thì mới giải quyết được vấn đề. Bởi như cách làm của Bộ Tài chính thì chỉ giảm được số tiền xe của Thứ trưởng từ nhà đến cơ quan mà thôi” – bà Lan nêu quan điểm.

N. An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên