MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng chứng kiến lễ trao 28 văn bản hợp tác, giá trị 1,5 tỷ euro của doanh nghiệp Việt – Đức

Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc và Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries cùng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Đức tại Berlin và chứng kiến lễ trao 28 văn bản hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp 2 nước.

Mối quan hệ gắn bó truyền thống giữa 2 nước

Theo Thủ tướng, Việt Nam và Đức đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975. Và đến năm 2011, hai nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau, mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu hiệu quả.


Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 600 doanh nghiệp Đức và trên 100 doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: VGP

Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 600 doanh nghiệp Đức và trên 100 doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: VGP

Trong quan hệ với EU, Đức là đối tác hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2016 đạt 9 tỷ USD, chiếm 20% trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU.

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức như Siemens, Mercedes, ngân hàng Đức… đang hoạt động kinh doanh hiệu quả với tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam đến nay lên đến 1,8 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh các mối quan hệ văn hóa, giáo dục giữa hai nước cũng có truyền thống lâu đời.

Sự gắn kết giữa người dân và hai quốc gia chính là nền tảng vững chắc cho giao thương, đầu tư của doanh nghiệp hai nước trong tương lai. Và đến nay, ở Việt Nam, đã có trên 100.000 người nói thạo tiếng Đức và từng tốt nghiệp các trường ở Đức.

Giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, sức mua của gần 100 triệu dân ngày càng tăng nhanh với tầng lớp trung lưu chiếm trên 10% dân số. Việt Nam là nền kinh tế mở, có kim ngạch thương mại đạt gần 400 tỷ USD, gấp gần 1,6 lần GDP.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện cơ bản và ngày càng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng đang mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập quốc tế, đặc biệt là 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.

Theo đó, Việt Nam từng bước gỡ bỏ hạn chế trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, viễn thông, tài chính, ngân hàng, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia không hạn chế hoặc nâng trần giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả bán cổ phần chiến lược của DNNN cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đang gỡ bỏ thủ tục cấp phép mở tài khoản và giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho giao dịch tài khoản vốn, xóa bỏ các biện pháp kiểm soát vốn không phù hợp với thông lệ quốc tế...

Kỳ vọng một làn sóng đầu tư mới từ Đức vào Việt Nam

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã tham gia WTO từ 2007 và là thành viên tích cực của cộng đồng ASEAN, đã ký 12 FTA và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục của FTA Việt Nam - EU.


Thủ tướng chứng kiến lễ ký các văn bản hợp tác. Ảnh: VGP

Thủ tướng chứng kiến lễ ký các văn bản hợp tác. Ảnh: VGP

Hiệp định này sẽ mở đường cho các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, đồng thời từ Việt Nam mở ra nhiều thị trường quan trọng như ASEAN và từ châu Á, thông qua cộng đồng chung ASEAN, các FTA song phương đã ký hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang đàm phán.

“Tóm lại, Việt Nam đang cải cách đổi mới, tạo điều kiện cho môi trường pháp lý tốt nhất cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, Thủ tướng khẳng định.

Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Đức, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và là thành viên có tầm ảnh hưởng trong EU cũng như các tổ chức, các diễn đàn đa phương toàn cầu, sẽ là người bạn tin cậy của Việt Nam, hỗ trợ thu hút sự quan tâm và nguồn lực của quốc tế vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đặc biết nhấn mạnh lĩnh vực cơ khí chế tạo, tự động hóa, đào tạo nghề và giáo dục đại học. Công nghệ và kinh nghiệm quản trị của Đức có thể giúp Việt Nam vượt lên nhanh chóng trong xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhu cầu và sức phát triển của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, Thủ tướng mong Đức sẽ hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp địa phương, kể cả ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

“Tôi tin rằng sau diễn đàn này, một không khí đầu tư, một làn sóng đầu tư mới với sự hợp tác của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam, của chính quyền Việt Nam, nhất định làn sóng đầu tư mới của Đức vào Việt Nam sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước chúng ta”, Thủ tướng chia sẻ.

T.Nguyen

Theo VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên