MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng, Điều 292 và Chính phủ biết lắng nghe dân

Sự lên tiếng mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bãi bỏ Điều 292 của Bộ Luật Hình sự một lần nữa đã thể hiện tinh thần của Chính phủ kiến tạo và phục vụ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.

Tham vọng xây dựng một quốc gia khởi nghiệp, với hơn 1 triệu DN từ nay đến năm 2020 là một trong những thông điệp quan trọng mà người đứng đầu Chính phủ luôn nhắc đến kể từ khi nhậm chức đến nay, có thể bị “đe dọa” bởi chính những rào cản từ thể chế.

Bởi ngay sau khi có thông tin về Điều 292 quản lý kinh doanh qua mạng, cộng đồng các doanh nghiệp ICT và khởi nghiệp lo ngại rằng, việc đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực mạng internet, mạng viễn thông không những khó đáp ứng được yêu cầu của quy định luật, mà còn có nguy cơ bị khởi tố hình sự. Không ít hoang mang, lo lắng và cả những bức xúc dấy lên trong khắp cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt lĩnh vực công nghệ.

Đã có những công ty khởi nghiệp thẳng thắn tuyên bố, sẽ đầu tư sang các nước trong khu vực. Singapore là nước được lựa chọn nhiều nhất, khi đất nước này có nhiều ưu đãi cho các công ty khởi nghiệp (start-up) như miễn thuế, khấu trừ thuế khi mua sắm máy móc, thiết bị, giảm thuế và môi trường kinh doanh cũng có nhiều thuận lợi, an toàn để các star-up có thể phát triển.

Tháo nút thắt, gỡ bỏ rào cản

Phát động một quốc gia khởi nghiệp, nhưng với những quy định mà Điều 292 đặt ra lại được xem như một cản trở đối với những người khởi nghiệp trẻ. Trực tiếp điều hành các phiên họp Chính phủ tập trung là đẩy mạnh cải cách thể chế, sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu rõ hơn ai hết, đâu là những rào cản đang "ngáng đường" doanh nghiệp.

Bởi vậy, trong bất cứ cuộc họp nào với các Bộ, ngành và địa phương, người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh sự kiên quyết phải loại bỏ các rào cản trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh. Và rõ ràng, với quyết tâm này thì việc Thủ tướng nhắc đến Điều 292 như một ví dụ điển hình để đưa ra chỉ đạo, đề nghị phải bãi bỏ điều luật này là hợp lẽ.

Trước đó, không ít các doanh nghiệp start-up đã gửi đơn lên Quốc hội và Thủ tướng với hy vọng có thể bãi bỏ Điều 292. Cùng chung tiếng nói, nhiều cơ quan hiệp hội như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lên tiếng đề nghị bãi bỏ điều luật này.

Mặc dù đại diện Bộ Tư Pháp đã trấn an cộng đồng khởi nghiệp rằng Điều 292 không nhắm đến những doanh nghiệp khởi nghiệp mà cụ thể là các nhà sáng tạo phần mềm, mà tập trung vào những doanh nghiệp kinh doanh công nghệ vi phạm, làm ăn không chân chính. Hay trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về việc lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Điều 292, nhiều start-up khởi nghiệp đã được mời đến tham vấn, lắng nghe ý kiến đóng góp của chính những người chịu tác động. Nhưng sự hoang mang, lo lắng của cộng đồng khởi nghiệp vẫn còn nguyên đó cho đến khi nào Điều Luật này chưa được bãi bỏ.

Tạo dựng niềm tin

Cuối cùng, sự thống nhất cao trong các thành viên Chính phủ mà đứng đầu là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được chính một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ nhìn nhận rằng, đó là một chiến thắng nữa của Chính phủ, của Thủ tướng nhiệm kỳ mới. Bởi giữa không ít hoài nghi đặt ra: “kiến nghị để làm gì”, “kêu than để làm gì”; “có thay đổi được gì đâu”; hay “không thay đổi gì đâu”… thì người đứng đầu Chính phủ đã có một tuyên bố đập tan đi những hoài nghi ấy.

Giữa lúc này, người ta nói rằng “cơn ác mộng” của các start-up Việt Nam đang dần qua đi. Theo quy định về trình tự thủ tục, còn nhiều bước nữa để Điều 292 chính thức không còn hiện diện trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi, song yêu cầu dứt khoát, thẳng thắn của Thủ tướng đúng như những gì mà ông đã nói, tạo thuận lợi và tháo gỡ rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp - không chỉ là lời nói nữa. Thủ tướng đang thực hiện cái điều mà chính ông yêu cầu, là phải rút ngắn con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến hành động.

Trong bối cảnh hiện nay, bỏ Điều 292 không chỉ là phá bỏ một rào cản, tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn hơn, mà hơn thế Thủ tướng đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp, đặc biệt là những người khởi nghiệp trẻ, để họ không đánh mất đi hoài bão và niềm tin giúp cho đất nước thay đổi, phát triển.

Một Chính phủ biết lắng nghe tiếng nói người dân, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp chắn chắn sẽ là nền tảng mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

C. An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên