MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng lưu ý gì đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp Trung Quốc?

Việt Nam chỉ đón nhận công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường là một trong những lưu ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi đến các CEO người Trung Quốc.

Chiều ngày 11/9, tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với các CEO của các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc.

Cơ hội lớn cho nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam

“Cơ hội, không gian, tiềm năng hợp tác tại Việt Nam rất lớn, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ra những thuận lợi về đầu tư cho các CEO Trung Quốc.

Cụ thể, Việt Nam đã ổn định chính trị, xã hội bền vững, đây là một yếu tố quan trọng trong đầu tư. Tiếp đó, là tỷ lệ dân số vàng, lao động trẻ, dồi dào với giá nhân công hợp lý, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực. Việt Nam cũng đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do khác trong trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của các thành viên ASEAN và Trung Quốc; Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong tương lai không xa, quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam với 55 đối tác sẽ được xác lập, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20.

Về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, theo Thủ tướng, đến nay có 21.000 dự án của trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc có khoảng 1.500 dự án, tổng vốn 11 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt trên 66 tỷ USD và 7 tháng đầu năm, đạt 38,2 tỷ USD, tăng trên 1,5%. Thủ tướng cũng cho biết đến hết 2016, dự kiến có thể đạt 100 tỷ USD.

Cho rằng việc xuất nhập khẩu là theo nhu cầu của các doanh nghiệp mỗi nước, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng của nền kinh tế Việt Nam là cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, bảo đảm phát triển bền vững.

“Trước đây nhập siêu lớn thì xu hướng sẽ giảm xuống và năm nay giảm xuống rõ hơn nữa giữa Việt Nam - Trung Quốc là xu hướng đáng mừng trong quan hệ hai nước”, Thủ tướng nói.

Trước các doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng khẳng định quan điểm xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch cho mọi doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước với phương châm coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng nêu rõ: “Bây giờ nhiều giấy phép ở Việt Nam chỉ cấp 1 ngày là xong, chậm nhất không đến 5 ngày. Ngày trước là tiền kiểm, còn gây khó khăn cho doanh nghiệp thì nay hậu kiểm là chính”.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp. Các cấp chính quyền ở Việt Nam đều trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài phản ánh khó khăn như thế nào để cùng tháo gỡ.

Nhân đây, Thủ tướng cũng thông báo, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đã tăng 3 bậc, đứng thứ 5 trên 10 nước ASEAN và phấn đấu, trong năm 2017, Việt Nam sẽ vào Top ASEAN 4.

“Coi thắng lợi, thành công của các nhà đầu tư là thành công của Chính phủ, các cấp chính quyền. Ngược lại, họ thất bại thì chính là mình thất bại”, Thủ tướng tuyên bố.

Nhưng chỉ đón nhận công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý các nhà đầu tư bảo vệ môi trường cho tốt, không đầu tư bằng bất cứ giá nào, cho nên phải sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”, Thủ tướng đề nghị.

Theo đó, Chính phủ, các cấp chính quyền, nhân dân Việt Nam vui mừng đón nhận những xí nghiệp, công ty làm ăn tốt, công nghệ thiết bị bảo vệ môi trường tốt vào Việt Nam, quan tâm đến thu nhập cho công nhân để đảm bảo đời sống theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý một số công trình, dự án của doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc ở Việt Nam còn chậm tiến độ.

Thủ tướng cho biết sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, máy móc thiết bị, điện lực, năng lượng tái tạo, du lịch, thương mại đặc biệt là đối với mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên