MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta bị tật “đầu năm đủng đỉnh” nên tăng trưởng GDP quý I năm nào cũng thấp!

Đây là chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên chất vấn tại nghị trường, ngày 18/11.

Thủ tướng khẳng định GDP của Việt Nam được tính theo công thức được thế giới công nhận rộng rãi. Khi tăng trưởng GDP quý I đạt thấp, Chính phủ đã rất lo lắng và họp khẩn để xử lý vấn đề. Nhờ quyết liệt quy trách nhiệm cá nhân, đẩy mạnh giải ngân,... mà tăng trưởng GDP các quý sau đã cao hơn. Thậm chí, mức tăng trưởng GDP quý III đã bằng hai quý trước đó cộng lại.

“Việt Nam chúng ta bị một cái tật là tháng giêng là tháng ăn chơi, quý I đủng đỉnh lắm, chẳng triển khai, thủ tục rườm rà rắc rối nên chưa triển khai được xây dựng đầu tư. Quý 2 quý 3 tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, giải quyết thủ tục mạnh mẽ, quy trách nhiệm cá nhân, tăng cường kiểm tra xử lý, giải quyết” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Do đó, tăng trưởng GDP quý I thấp không phải là vấn đề mới. Trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, sẽ cố gắng khắc phục các vấn đề “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả”.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành nghị định kiểm soát điều kiện kinh doanh, nhằm tránh việc “bỏ điều kiện này, mọc thêm điều kiện khác”. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98 đề nghị các bộ ngành giảm từ 1/3 – ½ điều kiện kinh doanh. Bộ Công thương đã đưa ra đề xuất cắt giảm lượng lớn giấy phép con. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã công bố kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh. Nhiều bộ ngành khác đang tích cực rà soát như Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch.

Trả lời câu hỏi về vấn đề tam nông, Thủ tướng cho rằng chìa khóa của tái cơ cấu nông nghiệp nằm ở nông dân. Sắp tới, Thủ tướng sẽ phối hợp với Hội Nông dân để tổ chức buổi đối thoại với nông dân. Buổi đối thoại này nhằm lắng nghe tiếng nói của nông dân, từ đó đề ra chính sách giải quyết các vướng mắc.

Về vấn đề nông sản phải giải cứu trong thời gian qua, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương và bộ ngành nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện tổ chức sản xuất, phân phối gắn với sản xuất. Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng đang thực hiện xúc tiến thương mại để tìm lối ra cho nông sản. Thủ tướng cho rằng, nông dân với với sự hỗ trợ của nhà nước, cần tiếp tục xây dựng thương hiệu nông sản, cải thiện tình hình an toàn thực phẩm,... Nếu làm tốt các giải pháp trên, cùng sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, tình hình giải cứu nông sản sẽ được hạn chế.

“Khi cần thiết lắm Nhà nước mới giải cứu. Thực hiện kinh tế thị trường thì phải theo thị trường” – Thủ tướng khẳng định.

Trả lời câu hỏi về sự chuẩn bị của Chính phủ cho Công nghiệp 4.0, Thủ tướng đã nhắc lại nội dung Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện nay, các ban, bộ ngành đã có chương trình nghiên cứu, nâng cao hạ tầng kết nối số, thúc đẩy khởi nghiệp, hoàn thiện giáo dục đào tạo,... Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, không để Việt Nam lỡ nhịp với Công nghiệp 4.0.

DQ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên