MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý dứt điểm 5 dự án thua lỗ kéo dài

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi công bố quyết định tân Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Năm dự án thua lỗ kéo dài của PVN, gồm: Nhà máy sơ xợi Đình Vũ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học.

Hàng loạt dự án nguy cơ chậm trễ chờ tân Chủ tịch PVN

Từ sáng sớm 3/1, tại trụ sở PVN ở 18 Láng Hạ (Hà Nội), thảm đỏ trải dài từ cửa chính tới chân cầu thang máy. Các tổng GĐ, phó tổng GĐ đơn vị thành viên tề tựu về trụ sở tập đoàn.

Gần 9h sáng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt tại buổi công bố quyết định tân Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh - chấm dứt chuỗi ngày bỏ trống vị trí ghế nóng sau gần 1 năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2017 đặc biệt khó khăn nhưng PVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, khai thác vượt chỉ tiêu sản lượng dầu thô, khí, nộp ngân sách. “Có được kết quả này là sự cố gắng rất lớn của ban lãnh đạo tập đoàn. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, đồng chí cố gắng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Tôi thay mặt Chính phủ biểu dương, đánh giá cao kết quả PVN đạt được”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, PVN có truyền thống lịch sử tốt đẹp, một đội ngũ cán bộ, công nhân viên dày dạn, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Quá trình hoạt động, tập đoàn cũng đã vấp váp, trả giá do thiếu kinh nghiệm, chủ quan, nóng vội và có cả sai trái trong việc quản lý, điều hành khiến một số cá nhân có liên quan của tập đoàn đã phải trả giá đắt. Điều này ảnh hưởng tới hoạt động, tư tưởng của cán bộ, công nhân viên.

Thủ tướng yêu cầu tân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cùng với tập thể Đảng ủy, HĐTV tiếp tục giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Ban lãnh đạo PVN cần làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng bộ máy tinh gọn trên tinh thần “vừa hồng vừa chuyên”, điều hành PVN theo chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Thủ tướng cũng yêu cầu tập đoàn tiếp tục rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực, sớm trình đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017-2020.

“Lãnh đạo tập đoàn phải tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm quốc gia như dự án Cá voi xanh, dự án khí lô B. Nhất là xử lý các vấn đề liên quan dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, Long Phú 1. Một loạt dự án nguy cơ chậm trễ đang chờ chủ tịch HĐTV mới cùng với tổng GĐ thúc đẩy. Riêng Dự án Cá voi xanh, Mỏ khí lô B đã đóng góp cho nhà nước tới 18 tỷ USD, nếu không làm tốt các dự án này, dòng tiền của PVN sẽ cạn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch HĐTV và Tổng GĐ PVN phải chỉ đạo xử lý hiệu quả, dứt điểm 5 dự án thua lỗ kéo dài của PVN (gồm Nhà máy sơ xợi Đình Vũ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học). PVN cần tiếp tục tiết giảm chi phí, chống lãng phí tiêu cực, chống tình trạng “sân trước sân sau” của một số đơn vị thành viên; nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, công nhân viên trong ngành.

Khó khăn nhiều, thách thức lớn

“Thủ tướng dùng từ đứng đầu nhưng cá nhân tôi không dám. Tôi sẽ đứng cùng, làm cùng, chung tay, sát vai kề cánh với ban lãnh đạo tập đoàn. Tuy được đào tạo, bồi dưỡng qua một số môi trường làm việc nhưng riêng môi trường về dầu khí kinh nghiệm của tôi bằng 0, thông tin chưa có gì. Quả thực là khó khăn, thách thức rất lớn với cá nhân tôi”, tân chủ tịch PVN đáp lời Thủ tướng.

Ông Thanh cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ, nhiệt tình, chân thành từ tất cả thành viên trong HĐTV, trong Đảng ủy và ban giám đốc, các tổng Cty của tập đoàn và sự ủng hộ, dõi theo của tập thể cán bộ, công nhân viên tập đoàn.

Theo ông Thanh, cho dù có những cá nhân có thiếu sót, sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tiềm lực, uy tín của tập đoàn, nhưng “chắc chắn Đảng, Chính phủ và nhân dân sẽ không bỏ rơi, không làm khó những người làm dầu khí chân chính. Chỉ có cá nhân hư hỏng, chứ không có tập thể, tổ chức hư hỏng”.

Ông Thanh cũng thay mặt cán bộ, công nhân viên dầu khí mong muốn cơ quan chức năng thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho những người từng tràn đầy nhiệt huyết với ngành dầu khí lấy lại tâm thế, khí thế để tiếp tục cống hiến nhằm đưa ngành dầu khí sớm phục hồi, phát triển vì lợi ích quốc gia của dân tộc.

“Tôi tin rằng với sự quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các bộ ngành trung ương, giai đoạn khủng hoảng ngành dầu khí sẽ sớm khép lại, mở ra cơ hội mới, vận hội mới cho ngành có điều kiện phát triển bền vững. Từ đó, lấy lại niềm tin của Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước với ngành dầu khí. Nếu được Đảng, Chính phủ, cơ quan chức năng tạo điều kiện tháo gỡ, chúng tôi hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao”, ông Thanh khẳng định.

Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971 tại Nghệ An. Ông từng trải qua các chức vụ: Phó tổng GĐ Kho bạc Nhà nước; Phó Chủ tịch UBND và Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên