MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng ra Chỉ thị tổng kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019

18-06-2019 - 16:06 PM | Bất động sản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.

Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của từng đơn vị hành chính các cấp trong năm 2019 gồm 3 nội dung.

(1) Diện tích các loại đất theo quy định tại Điều 10, Luật Đất đai năm 2013; diện tích các loại đối tượng đang sử dụng đất, đối tượng đang quản lý đất theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 của Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, kiểm kê chi tiết các loại đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

(2) Diện tích đất ngập nước, đất khu bảo tồn thiên nhiên, đất cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 của Luật Đa dạng sinh học.

(3) Tình hình sử dụng đất do doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa quản lý sử dụng, đất do các ban quản lý rừng và các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp sử dụng, đất tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại; đất xây dựng các công trình sự nghiệp ngoài công lập, công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích.

Thủ tướng ra Chỉ thị tổng kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 - Ảnh 1.

Kinh phí kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 do ngân sách Nhà nước bảo đảm, cân đối. Ảnh: Thuỷ Tiên.

Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện từ ngày 1/8, áp dụng thống nhất ở cả nước. Số liệu kiểm kê được tính đến ngày 31/12/2019.

Mục đích của việc này là đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua.

Đây là cơ sở để đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường khả năng quản lý Nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, việc kiểm kê, lập bản đồ này cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Lâm Tùng

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên