MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: "Sẽ tạo thuận lợi để DN Nhật Bản làm ăn lâu dài ở Việt Nam"

Thủ tướng cho biết sẽ nghiên cứu, điều chỉnh chính sách cho phù hợp, thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị tương lai Châu Á lần thứ 23, sáng 6/6, theo giờ địa phương, tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với gần 60 doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một số lĩnh vực khác. Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp giải đáp các thắc mắc mà doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp giải đáp các thắc mắc mà doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, hoan nghênh lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản đã quan tâm đến Việt Nam, Thủ tướng đã thông tin đến nhà đầu tư công nghệ thông tin Nhật Bản về một trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn ở Việt Nam. Ngay tháng 5 vừa rồi, Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ “ổn định” lên mức “tích cực”.

Nhấn mạnh đến sự hấp dẫn về môi trường đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), 90% doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp họ tăng doanh thu; 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đầu tư quan trọng.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang chuyển dần động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao. Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Công nghệ thông tin ở Việt Nam đang phát triển bùng nổ và từng bước thông minh hóa nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Năm 2015, Việt Nam đã nằm trong tốp 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và tốp 30 thế giới về gia công phần mềm.

Việt Nam đang là một trung tâm sản xuất điện thoại thông minh của thế giới; đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di dộng trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Việt Nam ưu tiên đầu tư hạ tầng thông tin, kết nối số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số…

Việt Nam cần 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin và hiện mới có 700.000 người nên sẽ tiếp tục đào tạo trong thời gian tới để có thêm 300.000 người.

Thủ tướng trao đổi với đại diện doanh nghiệp Nhật Bản.
Thủ tướng trao đổi với đại diện doanh nghiệp Nhật Bản.

Thủ tướng kêu gọi và mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển con người, trong đó ưu tiên, phát triển 6 ngành: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

Thủ tướng cũng cho biết, hiện việc đi lại giữa hai nước là rất thuận tiện. Các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air và ANA của Nhật Bản đã tổ chức 70 chuyến bay một tuần. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia các hoạt động của APEC 2017 được tổ chức Việt Nam vào tháng 11 năm nay, Thủ tướng cho biết, một trong những nội dung ưu tiên của APEC là tăng cường năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số và đổi mới sáng tạo về công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tsugio Mituoka, đại diện Tập đoàn IHI, cho biết, Tập đoàn đã đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Việt Nam như xây dựng cầu Nhật Tân, phát triển nhiệt điện than đá hạn chế khí CO2, phóng vệ tinh, cải thiện tình hình giao thông... Tập đoàn muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới và tham gia các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP).

Thời gian tới, IHI sẽ tập trung vào các dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Để có thể tham gia các dự án hợp tác công-tư tại Việt Nam, tôi mong muốn Việt Nam hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật vào lĩnh vực này. Rất mong nhận được sự hợp tác của phía Việt Nam thời gian tới” – ông Tsugio Mituoka bày tỏ.

Đại diện Tập đoàn Hitachi, một đơn vị tham gia xây dựng dự án đường sắt đô thị số 1 tại Hà Nội mong muốn cung cấp các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam. Theo đó, muốn đặt trọng tâm kinh doanh ở Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng công nghệ cao. Tập đoàn đề nghị Chính phủ quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật số.

Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn lắng nghe để có cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa và mong các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề cập đến nhiều nội dung về vấn đề tiếp cận đất đai, ưu đãi thuế, nới rộng tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp logistic... Ông Yamauchi, Chủ tịch Tập đoàn Yamoto Holdings, đang hoạt động trong lĩnh vực logistic, một đơn vị đang hoạt động tại Việt Nam cho biết, tập đoàn đang cung cấp chuyển phát, nhất là chuyển phát mát, tức là sẽ làm lạnh hàng hóa để chuyển đi. Đây là dịch vụ tập đoàn muốn cung cấp ở Việt Nam và Đông Nam Á.

“Dịch vụ này rất cần ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng. Do đó mong muốn ngành công nghệ thông tin của Việt Nam phát triển để phối hợp với chúng tôi. Với ngành logistic vẫn giới hạn tỷ lệ góp vốn với một số dịch vụ không quá 49%, nên mong muốn Chính phủ nới lỏng hơn” – ông Yamauchi nói.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các doanh nghiệp đã có ý kiến thẳng thắn và vui mừng nhận thấy các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục có nguyện vọng đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam ghi nhận và sẽ tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Thủ tướng ghi nhận đề xuất của các doanh nghiệp về phát triển công nghệ thông tin làm nền tảng phát triển các ngành khác; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và cán bộ quản lý; vấn đề dịch vụ bưu chính viễn thông, đầu tư lĩnh vực logistic, phát triển các khu công nghiệp, bán lẻ các sản phẩm, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao…. Thủ tướng cho rằng, đây là những vấn đề mà Việt Nam quan tâm cần phát triển.

Các doanh nghiệp cũng đã kiến nghị một số vấn đề về quyền sử dụng đất, pháp luật Việt Nam kể cả Hiến pháp và Luật Đất đai nêu rất rõ vấn đề này. Thời gian thuê đất là 50 năm hoặc cao hơn nữa nếu như có nhu cầu. Về vấn đề đào tạo cán bộ quản lý, chúng tôi ghi nhận đề xuất này để các trường Đại học sẽ nghiên cứu vấn đề này, trong đó có Trường Đại học Việt Nhật và hệ thống các trường khác, để chúng ta nghiên cứu vấn đề quản lý cấp trung ở Việt Nam hiện nay” – Thủ tướng nêu rõ.

Về vấn tỷ lệ góp vốn trong lĩnh vực logistic, Thủ tướng cho biết: “Logistic ở Việt Nam là ngành đang có điều kiện phát triển. Việt Nam sẽ xem xét quy định hiện hành để có thể điều chỉnh sao cho trong một số trường hợp cụ thể có thể góp vốn trên 49%. Hiện chúng tôi quy định dưới 49%, quý vị đề nghị bỏ trần này để cao hơn 49%. Đây là ý kiến tích cực và Thủ tướng ghi nhận vấn đề này và sớm trả lời cho nhà đầu tư Nhật Bản”.

Thủ tướng cũng đã giải đáp các vấn đề về thuế mà nhà đầu tư nêu ra, đồng thời khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe để có cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa và mong các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lĩnh vực nông nghiệp và các dịch vụ mà doanh nghiệp Nhật Bản có thế mạnh. /.

Theo Vũ Dũng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên