MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủng 1.200 điểm, thủng 1.170 điểm rồi lại mất tiếp 1.140 điểm, kịch bản nào tiếp theo cho TTCK Việt Nam?

Chỉ số VnIndex nhanh chóng giảm mạnh sau khi chạm mức 1.200 điểm và chính thức giảm về gần vùng 1.130 điểm, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm giảm mạnh và kéo các chỉ số chính giảm lần lượt dưới các mức hỗ trợ ngắn hạn.

Trong hơn một tuần qua, diễn biến TTCK Việt Nam không thực sự tích cực với những phiên điều chỉnh sâu liên tiếp. Chỉ số VnIndex không những không giữ được thành quả 1.200 điểm mà còn thủng tiếp vùng đỉnh 11 năm là 1.170 điểm. Trong phiên giao dịch 18/4 tiếp tục xuống dưới mốc tâm lý 1.140 điểm.

Nhịp điều chỉnh vừa qua là không quá nhiều so với mức tăng từ đầu năm tới nay nhưng đủ khiến giới đầu tư thiệt hại nặng nề. Hiện tại, tâm lý thị trường đang có phần bi quan và những câu hỏi như "khi nào thị trường ngừng rơi", "khối ngoại sẽ bán ròng đến khi nào", "yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường"…trở thành vấn đề nóng được quan tâm.

Dưới đây là những quan điểm về xu thế thị trường hiện nay của ông Nguyễn Thế Minh – chuyên gia chứng khoán.

Kịch bản giảm sâu có diễn ra hay không?

Chỉ số VnIndex nhanh chóng giảm mạnh sau khi chạm mức 1.200 điểm và chính thức giảm về gần vùng 1.130 điểm, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm giảm mạnh và kéo các chỉ số chính giảm lần lượt dưới các mức hỗ trợ ngắn hạn.

Quan điểm cá nhân của tôi về diễn biến thị trường trong giai đoạn ngắn hạn này với các kịch bản sau:

Kịch bản 1: Chỉ số VnIndex sẽ không giảm sâu dưới mức 1.130 điểm và dần hồi phục trong vài phiên tới.

Với các yếu tố lo ngại đã qua đi, đặc biệt TTCK Mỹ đang có diễn biến tích cực khi tình hình Syria lắng dần và chiến tranh thương mại vẫn chưa xảy ra cho nên tôi đánh giá cao kịch bản 1 sẽ xảy ra. Đồng thời, giá dầu Brent cũng đang duy trì đà tăng và xác lập mức đỉnh cao mới kể từ năm 2016 sẽ giúp nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ hưởng lợi từ đà tăng này.

Ngoài ra, thị trường sẽ bước vào kỳ đại hội cổ đông cho nên các thông tin KQKD năm 2018 cũng sẽ hỗ trợ cho diễn biến hiện tại của thị trường. Do đó, tôi cho rằng chỉ số VnIndex có thể sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 1.130 (+/-5 điểm) trong vài phiên tới và các nhà đầu tư ưa mạo hiểm bắt đáy có thể tận dụng ở nhịp giảm này.

Ở kịch bản này, chỉ số VnIndex có khả năng sẽ kiểm định lại vùng đỉnh cũ (tức là mức 1.200 điểm) và thậm chí cao hơn là mức 1.300 điểm. Đồng thời, nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí được xem là dòng dẫn dắt chính đà tăng này.

Kịch bản 2: Chỉ số VnIndex giảm về vùng giá 975 điểm

Tôi vẫn đánh giá thấp kịch bản này trong ngắn hạn khi xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức tăng. Tuy nhiên, rủi ro đáng kể hiện nay đó là vấn đề thế giới, nhưng đến nay mọi thứ đã êm dịu trở lại. Và nếu kịch bản này diễn ra thì tôi cho rằng nhà đầu tư trung hạn cũng nên giảm mạnh tỷ trọng vì thị trường sẽ bước vào chu kỳ giảm trung hạn.

Khối ngoại liệu còn bán ròng?

Trong thời gian vừa qua, khối ngoại có động thái bán ròng nhẹ trong nhiều phiên liên tiếp, nhưng có khả năng chỉ là động thái bán ngắn hạn do lo ngại vấn đề chính trị thế giới diễn ra trong thời gian gần đây. Quan sát diễn biến của chỉ số CDS, dòng tiền trung và dài hạn của khối ngoại chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường và chỉ số CDS vẫn ở mức rất thấp kể từ 2015 cho thấy khối ngoại đánh giá rủi ro của TTCK Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Do đó, tôi tiếp tục đánh giá khối ngoại sẽ tiếp tục duy trì xu hướng mua ròng trong năm 2018 và xu hướng bán ròng ngắn hạn trong các phiên vừa qua sẽ nhanh chóng sớm kết thúc khi tình hình thế giới ổn định trở lại.

Thủng 1.200 điểm, thủng 1.170 điểm rồi lại mất tiếp 1.140 điểm, kịch bản nào tiếp theo cho TTCK Việt Nam? - Ảnh 1.

Chiến tranh thương mại có xảy ra?

Khó có thể dự báo hoặc đưa ra kết luận chính xác việc chiến tranh thương mại có diễn ra hay không. Tôi cho rằng chúng ta không nên cố dự báo điều này mà hãy quan sát diễn biến TTCK Mỹ vì tất cả mọi thứ cũng đều ảnh hưởng đến TTCK. Vì vậy, quan sát diễn biến của các phiên gần đây ở TTCK Mỹ, tôi cho rằng tâm lý nhà đầu tư ngắn hạn đã không còn lo ngại điều này và ổn định hơn rất nhiều.

Thị trường sẽ đón nhận các thông tin tích cực nào?

Đây là giai đoạn ĐHCĐ của các doanh nghiệp cho nên chúng ta sẽ đón nhận nhiều thông tin về kế hoạch kinh doanh năm 2018. Đặc biệt, việc các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2018 là tín hiệu tích cực cho hệ thống ngân hàng nói riêng và là cơ sở để lãi suất duy trì ở mặt bằng thấp khi hệ thống ngân hàng được dồi dào. Ngoài ra, việc phát hành của các ngân hàng sẽ giúp nhóm ngân hàng được định giá lại về mức hấp dẫn hơn khi mà tỷ lệ P/B ở các ngân hàng đều đang ở mức khá cao. Đặc biệt, việc niêm yết thêm nhiều cổ phiếu ngân hàng với thị giá cao cũng là yếu tố thúc đẩy thị trường sẽ định giá lại các cổ phiếu ngân hàng hiện nay.

Giá dầu Brent tăng mạnh trong thời gian qua cho thấy cung cầu giá dầu đã cân bằng hơn và rủi ro của nhóm dầu khí đã giảm đáng kể. Đặc biệt, khối lượng việc làm của nhóm dịch vụ dầu khí sẽ có chiều hướng tăng dần và hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh của nhóm này khi chúng ta đang tái khởi động các dự án khai thác mỏ khí mới trong giai đoạn 2018 – 2020.

IPO, niêm yết, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước và nâng hạng thị trường là những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng dài hạn của TTCK.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên