MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương chiến Mỹ - Trung: Nhiều nước tổn thất

12-05-2019 - 09:41 AM | Tài chính quốc tế

Đại diện Thương mại Mỹ được lệnh bắt đầu quá trình tăng thuế đối với khoảng 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức tuyên bố sẽ đáp trả thỏa đáng.

Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc mới nhất đã khép lại tại thủ đô Washington hôm 10-5 (giờ địa phương) mà không đạt bất kỳ đột phá nào. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh đại diện cho Thương mại Robert Lighthizer bắt đầu quá trình tăng thuế đối với khoảng 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là động thái leo thang hơn nữa cuộc chiến thương mại của Washington sau khi quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 10-5.

Bắc Kinh lập tức tuyên bố sẽ đáp trả thỏa đáng. "Nếu Mỹ tăng thuế, chúng tôi phải hành động. Chúng tôi hy vọng họ sẽ kiềm chế và chúng tôi cũng vậy. Đừng leo thang cuộc chiến này" - Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, cho biết sau khi đàm phán khép lại.

Theo ông Lưu, đàm phán vẫn chưa về đích vì những bất đồng đối với 3 vấn đề: Yêu cầu của Trung Quốc về việc Mỹ xóa bỏ mọi thuế quan bổ sung, mục tiêu về giá trị hàng hóa Mỹ mà phía Trung Quốc phải mua và câu chữ của thỏa thuận. Phó Thủ tướng Trung Quốc khẳng định đàm phán vẫn chưa đổ vỡ và hai bên thống nhất sẽ tiếp tục thương lượng tại thủ đô Bắc Kinh dù không rõ thời điểm diễn ra.

Theo đài CNN, chiến tranh thương mại đã khiến nông dân Mỹ cùng với nhiều công ty lớn của 2 nước chịu không ít tổn thất kể từ khi nổ ra vào năm ngoái. Công ty công nghệ Apple khẳng định doanh thu quý I/2019 của họ sút giảm một phần do cuộc chiến này. Trong khi đó, Công ty Xây dựng Caterpillar cho biết động thái đánh thuế đáp trả của Trung Quốc khiến họ thiệt hại hơn 100 triệu USD trong năm 2018. Những công ty hàng đầu Trung Quốc cũng cảnh báo hoạt động kinh doanh của họ chịu tổn thương bởi cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Thương chiến Mỹ - Trung: Nhiều nước tổn thất - Ảnh 1.

Hàng hóa chuẩn bị được đưa đi xuất khẩu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

"Không ai chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại, kể cả những nước không tham gia" - ông Gregory Daco, chuyên gia của Công ty Nghiên cứu tài chính Oxford Economics (Anh), nhận định với trang Marketwatch hôm 10-5. Ông Daco ước tính nếu Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với phân nửa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh tăng thuế đáp trả từ 8% lên 25% với 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm lần lượt là 0,3% và 0,8% vào năm 2020. Điều này có nghĩa là kinh tế Mỹ sẽ tổn thất khoảng 29 tỉ USD trong khi con số này với kinh tế thế giới là hơn 105 tỉ USD.

Trong kịch bản tồi tệ hơn, nếu Mỹ đánh thuế 25% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa tương tự, GDP của Mỹ sẽ giảm 0,5%, khiến kinh tế nước này tổn thất 45 tỉ USD đến năm 2020. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng sẽ giảm khoảng 1,3% vào năm 2020, trong lúc GDP thế giới giảm 0,5%.

Chuyên gia kinh tế Tommy Wu từ Oxford Economics cảnh báo sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhìn chung vẫn sẽ gây ra tác động tiêu cực với thương mại châu Á. "Ở một số trường hợp, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ của nhiều quốc gia châu Á có thể gia tăng song vẫn không đủ để bù đắp cho hoạt động thương mại suy yếu của toàn khu vực" - ông Wu chia sẻ với báo South China Morning Post.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những yếu tố khiến Ngân hàng Phát triển châu Á giảm mức dự báo tăng trưởng dành cho kinh tế châu Á trong năm 2019 từ 5,7% còn 5,6%.

"Món quà" cho Việt Nam

Việt Nam được xem là một trong những nước có thể hưởng lợi ở những lĩnh vực như sản xuất và nông nghiệp trong trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. "Những nền kinh tế có vị trí tốt bên lề, như Việt Nam và Brazil, có cơ hội nhảy vào và cung cấp những hàng hóa tránh bị Mỹ đánh thuế" - ông Rob Koepp, Giám đốc Mạng lưới Kinh tế doanh nghiệp (Hồng Kông), nhận định với tờ South China Morning Post sau khi Mỹ chính thức tăng thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ ngày 10-5.

Với tựa đề "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là món quà cho Việt Nam", một bài viết khác trên tờ báo Hồng Kông này nhận định Việt Nam đang là địa điểm ưa thích dành cho các nhà đầu tư nào muốn chạy khỏi Trung Quốc vì giá nhân công tăng và mối đe dọa thuế quan của Mỹ. "Cuộc chiến thương mại đang đẩy nhanh xu hướng đã diễn ra lâu nay - chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc (vốn đang ngày càng đắt đỏ)" - ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Mekong Economics ở Hà Nội, nhận định.

Đầu tư vào Việt Nam đã bùng nổ vào năm 2018 và xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng trong những tháng đầu năm 2019. Ông Maxfield Brown, chuyên gia của Công ty Tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại TP HCM, nhận định xu hướng này dự kiến có thêm xung lực khi có nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động trong quý III và IV của năm 2019.

Một nghiên cứu vào năm ngoái của Cơ quan Phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit (Anh) chỉ ra rằng Việt Nam được hưởng lợi nhiều trong lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ thông tin và xuất khẩu quần áo may sẵn.

Hoàng Phương

Chưa tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhận định động thái leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trước mắt cũng chưa tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước bởi cuộc chiến này đã diễn ra từ 1 năm nay. Tác động nhiều nhất là về tâm lý phản ánh trên thị trường tài chính, chứng khoán...

Theo ông Bảo, tác động nhận thấy là ảnh hưởng đến tỉ giá USD/VNĐ. Thực tế, sau những đợt tăng giá xăng dầu, điện và mới nhất là thông tin từ cuộc chiến thương mại đã tác động tâm lý người dân nhiều hơn. "Quả bóng đang nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước và tôi cho rằng cơ quan quản lý cần những thông điệp mạnh mẽ để người dân tin vào sức mạnh của chính sách tiền tệ, kiên định mục tiêu ổn định tỉ giá, lạm phát, lãi suất" - ông Bảo nhìn nhận, đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên sớm có thông điệp để người dân, thị trường yên tâm.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết thời điểm này chưa thể đánh giá tác động gì nhiều vì phải chờ những diễn biến tiếp theo của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo ông Hồng, phải xem trong 200 tỉ USD hàng hóa này, Mỹ đánh vào những mặt hàng xuất khẩu nào của Trung Quốc, có hàng dệt may không, từ đó doanh nghiệp mới nhận định và tìm giải pháp ứng phó... "Ngay cả trong tình huống nếu hàng dệt may Trung Quốc bị áp thuế từ 10% lên 25% thì việc cạnh tranh đơn hàng để tăng giá xuất khẩu cũng không dễ" - ông nhận xét.

Ông Hồng chỉ ra thực tế là trong khoảng 1 năm qua, từ khi có chiến tranh thương mại, người dân Mỹ cũng sợ sẽ gây ảnh hưởng đến thu nhập nên nhu cầu tiêu dùng có giới hạn, tiêu thụ sản phẩm may mặc cũng không tăng ấn tượng. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn mức tăng cả nước. Ngành dệt may Việt Nam đối diện nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với các nước như Bangladesh và căng thẳng từ các nước lớn...

Thái Phương

Theo Cao Lực

Người Lao động

Trở lên trên