MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương mại toàn cầu mịt mờ, nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn thường trực

03-10-2019 - 14:37 PM | Tài chính quốc tế

Khi Tổng thống Trump leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc, hoạt động của các nhà máy trầm lắng hơn ở các nước công nghiệp lớn, thương mại thế giới đang xấu đi nhanh chóng, một hướng phát triển nguy hiểm đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng ngay cả khi tăng trưởng chậm lại, một cuộc suy thoái toàn cầu vẫn chưa thể xảy ra. Nhưng những hiểm họa đang gia tăng rõ rệt, đe dọa lây lan từ sản xuất tới tiêu dùng ở nhiều nền kinh tế lớn.

Dấu hiệu mới nhất là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại trong năm nay và năm tới vào sáng thứ Ba vừa qua.

Giao dịch hàng hóa toàn cầu được dự đoán chỉ tăng 1,2% trong năm 2019, yếu nhất kể từ năm 2009 khi sụt giảm gần 13% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giảm hơn một nửa so với dự báo tăng 2,6% chỉ 6 tháng trước.

WTO cảnh báo việc tăng cường xung đột thương mại gây ra mối đe dọa trực tiếp đến việc làm và sinh kế, vì không khuyến khích các công ty mở rộng quy mô và đổi mới.

Cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đều chứng kiến ​​sự hạ nhiệt rõ rệt trong hoạt động thương mại những tháng gần đây, một xu hướng trầm trọng hơn bởi thuế quan mà họ áp đặt cho các mặt hàng xuất khẩu của nhau, tăng chi phí cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và không khuyến khích đầu tư.

Ở châu Âu, hoạt động thương mại đang bị cản trở bởi nỗi lo Anh rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có một thỏa thuận điều chỉnh hoạt động thương mại trên eo biển Manche.

Những rủi ro của suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng lên trong vài tháng qua, theo nhà kinh tế toàn cầu Ben May tại Oxford Economics. Có một sự kết hợp của các chỉ số báo hiệu sự suy yếu của tăng trưởng toàn cầu, tăng thêm sự bi quan về xu hướng thương mại thế giới.

Chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) của Mỹ, do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố, chỉ còn 47,8 trong tháng 9/2019, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009 - tháng đánh dấu sự kết thúc của cuộc Đại khủng hoảng và tệ hơn những gì các nhà kinh tế dự báo. Cổ phiếu rớt giá, tiền chuyển vào trái phiếu kho bạc, một nơi trú ẩn an toàn truyền thống, cho thấy các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận triển vọng lợi nhuận nhỏ hơn để đổi lấy sự an toàn trước rủi ro.

Giá dầu thô giảm, một dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ yếu hơn trong tương lai. Hoạt động thương mại giảm đồng nghĩa với việc cần ít nhiên liệu hơn cho máy bay phản lực, thiết bị xây dựng, động cơ vận chuyển hàng hóa và các phần quan trọng khác của đời sống công nghiệp.

Tiền chuyển sang đồng USD, một sự đảm bảo an toàn khác, nâng giá trị của USD so với các loại tiền tệ khác. Đồng USD mạnh hơn làm cho hàng hóa của Mỹ đắt hơn trên thị trường thế giới so với hàng hóa được sản xuất ở các nước khác.

Tổng thống Trump - hiện đang vướng vào một cuộc điều tra luận tội và mong chờ cuộc tái tranh cử vào năm tới - đổ lỗi cho Chủ tịch Fed Powell về việc để cho đồng USD tăng mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất của Mỹ, đồng thời cáo buộc Fed giữ lãi suất quá cao.

"Họ là kẻ thù tồi tệ nhất của chính họ, họ chẳng biết gì cả. Thảm hại!" Ông Trump đã đăng lên Twitter, chỉ trích gay gắt Fed và ông Powell.

Fed, sau khi tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018, đã giảm 2 lần trong năm nay nhưng vẫn không thỏa mãn được Tổng thống Trump.

Khi Fed hạ lãi suất vào tháng trước, ông Powell cho biết ông chuyển sang hướng tiền tệ nới lỏng hơn bởi những lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu và một phần do căng thẳng chính sách thương mại.

Trong bài phát biểu của mình, ông Powell dường như đang ám chỉ rằng ông Trump có khả năng tự phục hồi sức mạnh kinh tế, chỉ đơn thuần là chấm dứt chiến tranh thương mại.

Nhưng điều này khó mà xảy ra, một lý do chính khiến những doanh nghiệp từ Bắc Mỹ đến châu Á có xu hướng giảm đầu tư, thuê thêm nhân công và đặt hàng sản xuất tại các nhà máy.

Theo Tổng giám đốc của WTO Roberto Azevêdo, xung đột thương mại giữa các quốc gia làm tăng sự bất ổn, khiến một số doanh nghiệp trì hoãn các khoản đầu tư nâng cao năng suất, điều cần thiết để cải thiện mức sống. Tỷ lệ việc làm giảm do các công ty sử dụng ít nhân công hơn trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho xuất khẩu.

WTO dự báo thương mại sẽ tăng 2,7% trong năm tới, thấp hơn 3% so với dự báo vào tháng Tư.

Vào tháng 9, ông Trump đã tăng thuế đối với 112 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, ảnh hướng tới người tiêu dùng Mỹ với chi phí cho giày dép, may mặc và đồ điện tử tăng cao. Khi Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với 75 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ, ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế quan lên tới 550 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ đã hoãn kế hoạch tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hai tuần, "le lói" chút hy vọng cho một thỏa thuận. Nhưng nhiều chuyên gia hoài nghi rằng một thỏa thuận sẽ khó đạt được, làm dấy lên mối lo ngại về một loạt các chỉ báo nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu - bao gồm cả vận chuyển hàng hóa chậm lại và hoạt động nhà máy trầm lặng hơn.

Những dấu hiệu cảnh báo đủ rõ ràng, chiến tranh thương mại đang tàn phá mọi thứ, theo nhà kinh tế trưởng Ian Shepherdson tại Pantheon Macroeconomics.

Rủi ro là hoạt động sản xuất trầm lắng có thể giảm tiền lương và việc làm. Tiền lương giảm buộc người Mỹ phải tiết kiệm. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 hoạt động kinh tế ở Mỹ và việc này cũng dẫn đến suy giảm tăng trưởng.

Nếu sự tin tưởng của người tiêu dùng giảm sút nghiêm trọng, Mỹ có thể bước vào cuộc suy thoái đầu tiên mà nguyên nhân trực tiếp là những hành động của Tổng thống, chứ không phải do chính sách tiền tệ thắt chặt lên một khu vực tư nhân căng thẳng, ông Shepherdson nói.

Cuộc chiến thương mại đã đe dọa nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Nền kinh tế Singapore hiện đang chật vật. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, đều bán một lượng lớn hàng hóa sản xuất cho Trung Quốc, bị giảm doanh thu khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Chuyên gia thương mại quốc tế Meredith Crowley tại Đại học Cambridge Anh cho biết, sự thiếu chắc chắn chính sách và việc thực thi các hạn chế thương mại đang bắt đầu thể hiện rõ.

Đức đã trở thành một mối quan ngại lớn ở châu Âu khi các đơn đặt hàng sản xuất sụt giảm sâu vào tháng 9, theo một cuộc khảo sát được công bố vào thứ Ba.

Vấn đề trong sản xuất của Đức, một phần nguyên nhân là việc các công ty Trung Quốc đối mặt với thuế xuất khẩu sang Mỹ đang giảm mua máy móc do Đức sản xuất. Các công ty Đức cũng gặp khó khăn trong đầu tư trước các mối đe dọa thường trực của ông Trump nhằm mở rộng cuộc chiến thương mại bao gồm thuế quan đối với ô tô Đức được bán tại Mỹ.

Khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu các công ty Đức giảm, việc làm bị cắt giảm dẫn đến giảm chi tiêu của người tiêu dùng Đức, góp phần làm suy yếu các nền kinh tế châu Âu khác như Tây Ban Nha và Ý.

WTO cũng chỉ ra một nguy cơ tiềm ẩn rằng Anh có thể rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận điều chỉnh thương mại trong tương lai.

Kể từ khi Anh thiết lập Brexit thông qua một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016, châu Âu đã phải đối mặt với sự không chắc chắn về các thỏa thuận thương mại trong tương lai. Nhiều tuần trước thời hạn Anh rời Liên minh châu Âu, tình hình đặc biệt rối loạn.

Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố Anh sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31/10, bất kể ông có thể đảm bảo một thỏa thuận với chính quyền ở Brussels hay không.

Quốc hội Anh đã báo động về khả năng Brexit không có thỏa thuận và thông qua luật khẩn cấp sẽ buộc ông Johnson phải gia hạn thời gian nếu không đạt được thỏa thuận.

Trên khắp châu Âu, viễn cảnh Anh trở nên nghèo đói hơn và bị mắc kẹt trong vũng lầy Brexit không thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng tới tăng trưởng thương mại của nhiều nước châu Âu khác. Các nhà đầu tư cũng lo ngại một kịch bản như thế sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường toàn cầu và làm tổn thương nền kinh tế thế giới.

Khánh An

NYT

Trở lên trên