MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á: Cục Cạnh tranh vẫn đang điều tra

Thương vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á đang được các cơ quan chức năng của Việt Nam điều tra xem có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không.

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô sáng 25-9, đại diện của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho biết: “Chúng tôi vẫ đang trong quá trình điều tra thương vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á tại Việt Nam. Theo quy định, thời hạn điều tra là 180 ngày nên giờ chưa có kết quả”.

Trước đó, Cục CT&BVNTD đã ban hành quyết định điều tra chính thức vụ tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày 18-5. Trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ vụ việc để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định.

Ngày 13-4-2018, Cục CT&BVNTD đã tiến hành điều tra sơ bộ trong 30 ngày. Kết quả sơ bộ cho thấy, việc tập trung kinh tế giữa hai doanh nghiệp này khiến thị phần vượt ngưỡng 50% nên có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh 2004.

Theo quy định Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Mới đây, cơ quan giám sát cạnh tranh Singapore vừa ra quyết định phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đôla Singapore (hơn 9,5 triệu USD) do thương vụ sáp nhập của hai công ty. Theo cơ quan này, thương vụ đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của thị trường gọi xe.

Uber bị phạt 6,58 triệu đôla Singapore (hơn 4,8 triệu USD) trong khi Grab bị phạt 6.42 triệu đô la Singapore (gần 4,6 triệu USD). Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Singapore (CCCS) cho biết, việc xử phạt nhằm "ngăn những vụ sáp nhập đã hoàn thành, không thể đảo ngược, nhưng gây tổn hại đến cạnh tranh".

Mức phạt được đề ra dựa vào các yếu tố về doanh thu của công ty, bản chất, thời gian và mức độ vi phạm, có xét các tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.

Phản hồi về thông tin nói trên, ông Jerry Lim- Giám đốc Grab tại Việt Nam cho hay: CCCS đã không yêu cầu hủy bỏ giao dịch Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber, sau khi đã hoàn tất quá trình điều tra.

“Grab đã thực hiện giao dịch với niềm tin đầy thiện chí rằng giao dịch này không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật cạnh tranh. Điểm mấu chốt nằm ở sự khác biệt về quan điểm giữa Grab và cơ quan chức năng khi xác định các yếu tố tạo nên một thị trường mang tính cạnh tranh”- đại diện Grab cho hay.

Theo đại diện Grab, bối cảnh thị trường, điều kiện kinh doanh và khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam rất khác biệt so với các quốc gia Đông Nam Á khác.

“Theo Quyết định 24, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý triển khai Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước và hiện đang có 9 công ty tham gia vào đề án này, trong đó có cả những công ty taxi đã hoạt động lâu năm trên thị trường. Tất cả công ty được chấp thuận tham gia vào Đề án thí điểm đều có cơ hội ngang nhau để đổi mới sáng tạo nhằm tối ưu hóa hiệu quả giao thông, vì lợi ích tốt nhất của khách hàng.

Khác với Singapore và Philippines, tại Việt Nam, Grab chỉ có thể cung cấp dịch vụ kết nối di chuyển thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp vận tải và hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải hợp pháp;

Các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã này sẽ cung cấp dịch vụ vận tải cho hành khách hàng khi họ đặt dịch vụ trên nền tảng ứng dụng Grab. Với vai trò là một công ty công nghệ, chúng tôi không sở hữu xe và không ký hợp đồng hợp tác trực tiếp với tài xế”- ông Jerry Lim chia sẻ.

Theo Hà Linh

An ninh thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên