MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy sản Hùng Vương (HVG) tiếp tục muốn bán vốn tại các công ty con

Lần này, Thủy sản Hùng Vương muốn thoái vốn tại Agifish và 1 công ty con khác.

CTCP Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) vừa công bố thông tin về việc thoái vốn tại các công ty con.

Theo đó, Thủy sản Hùng Vương muốn thoái toàn bộ 100% số vốn góp 180 tỷ đồng tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre, tương ứng 90% tổng số cổ phần công ty, và một phần vốn đang sở hữu tại CTCP XNK Thủy sản An Giang (Agifish – AGF).

Hiện tại Thủy sản Hùng Vương đang sở hữu hơn 22,37 triệu cổ phần tương ứng 79,58% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Thủy sản An Giang. Theo thông báo, HVG muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại Agifish xuống dưới 50%.

Đối với các công ty con Thủy sản Hùng Vương muốn thoái vốn lần này, cổ phiếu AGF của Agifish đang đứng trước khả năng bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin. Cổ phiếu AGF đang giảm sâu, sắp rơi trở lại vùng đáy và hiện đang giao dịch quanh mức 3.720 đồng/cổ phiếu.

Liên quan đến việc thoái vốn tại công ty con, mới đây, HVG cũng vừa phát đi thông báo thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Hùng Vương Sông Đốc. Tổng lượng thoái vốn là 31,13 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%. Được biết, Hùng Vương Sông Đốc có trụ sở chính tại tỉnh Cà Mau, hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến bột cá biển.

Thủy sản Hùng Vương (HVG) tiếp tục muốn bán vốn tại các công ty con - Ảnh 1.

Đáng chú ý, Thủy sản Hùng Vương vừa công bố BCTC hợp nhất bán niên 2019 với doanh thu giảm một nửa, từ 5.043 tỷ về chỉ còn 2.885 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng giảm mạnh từ 140 tỷ về hơn 7 tỷ đồng. Kết quả, nửa đầu niên độ 2018-2019 HVG thua lỗ hơn 134 tỷ - kết quả này chênh lệch khá lớn so với mức lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tự lập là 25 tỷ.

Trên BCTC, Kiểm toán có đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2019 gần 528 tỷ đồng, và lỗ thuần trong kỳ kế toán sáu tháng kết thúc cùng ngày là 112 tỷ đồng, cùng với những vấn đề khác khiến kiểm toán ghi nhận sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Ngoài ra, Kiểm toán cũng lưu ý việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu trong năm tài chính kết thúc ngày 30/9/2016 và việc ban giám đốc đang thực hiện kế hoạch khắc phục việc lợi nhuận chưa phân phối lũy kế bị âm tại ngày của BCTC hợp nhất giữa niên độ.

Thái Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên