MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền bạc không mua được hạnh phúc ở Mỹ

21-03-2017 - 11:44 AM | Tài chính quốc tế

Nhóm nghiên cứu của Liên Hợp Quốc nhận định GDP tăng 1% ít gây tác động đến mức hạnh phúc của người dân Mỹ hơn là các yếu tố khác trong đời sống được cải thiện.

Liên Hợp Quốc vừa mới công bố Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2017 vào đúng ngày hạnh phúc thế giới (20/3). Trong đó, Mỹ bị tụt 1 hạng xuống vị trí thứ 14. Theo Jeffrey Sachs - giám đốc SDSN kiêm cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết Mỹ tụt hạng do sự bất bình đẳng, mất lòng tin và tham nhũng. Các biện pháp kinh tế mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố theo đuổi sẽ làm mọi thứ tồi tệ hơn.

Báo cáo này cho thấy tiền bạc - ít nhất ở Mỹ - là thứ không thể mua được hạnh phúc. Ngay cả tại một quốc gia đang trong giai đoạn kinh tế phục hồi với thu nhập đầu người tăng và thất nghiệp ở mức thấp nhất lịch sử, người Mỹ đang ngày càng ít hạnh phúc hơn trước.

"Cuộc đàm luận chính trị nóng hổi nhất ở Mỹ hướng đến tăng trưởng kinh tế với mục tiêu khôi phục lại Giấc mơ Mỹ và hạnh phúc được cho là yếu tố đi kèm. Nhưng Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2017 rõ ràng đã cho thấy đó là cách làm sai lầm", Jeffrey Sachs nhận định.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc dựa trên khảo sát thường niên đối với 1.000 người sống tại 150 quốc gia trên thế giới. Để có bảng xếp hạng cuối cùng, người làm khảo sát sẽ sử dụng 6 thước đo phân loại: GDP trên đầu người, tuổi thọ, hỗ trợ từ người thân hoặc bạn bè, từ thiện, quyền tự do trong cuộc sống, và mức độ nhận thức tham nhũng của các công ty và chính phủ.

Mỹ không nằm trong danh sách 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Mỹ không nằm trong danh sách 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Để cải thiện mức độ hạnh phúc của người dân Mỹ, báo cáo cho thấy thay đổi về mặt xã hội là một lựa chọn dễ thực hiện.

Nhóm nghiên cứu nhận định GDP tăng 1% ít gây tác động đến mức hạnh phúc của người dân Mỹ hơn là các yếu tố khác trong đời sống được cải thiện. Ví dụ, hiện nay nhận thức tham nhũng ở Mỹ phổ biến hơn so với giai đoạn 2006-2007. Bù lại, GDP trên đầu người ở Mỹ sẽ phải tăng từ khoảng 53.000 USD đến 62.000 USD. Mặt khác, để bù lại sự thiếu thốn về hỗ trợ xã hội so với 11 năm trước, GDP sẽ phải tăng đến 82.000 USD.

Tóm lại, nếu Mỹ chỉ tập trung đơn thuần vào các thành tựu kinh tế, GDP trên đầu người cần phải tăng đến khoảng 133.000 USD để giành lại được mức hạnh phúc của năm 2006, nhóm tác giả báo cáo cho biết.

Giám đốc SDSN đưa ra 5 cách để cải thiện niềm tin xã hội đó là: cải cách tài chính vận động bầu cử, các chính sách hướng đến mục tiêu giảm thiểu bất cân bằng thu nhập, cải thiện mối quan hệ xã hội giữa người Mỹ bản địa và người dân nhập cư, cải thiện khả năng tiếp cận với giáo dục chất lượng cao.

"Nói ngắn gọn, khủng hoảng của Mỹ - là cuộc khủng hoảng xã hội, không phải kinh tế", Jeffrey Sachs cho biết.

Anh Sa

Bloomberg

Trở lên trên