MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền lương chiếm phần lớn trong chi ngân sách: Áp lực tài chính công

Tổng chi cho lương trong ngân sách của Việt Nam cao so với các quốc gia trong khu vực, tương đương với các quốc gia thu nhập trung bình.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế thu quý I/2019 ước đạt 381.000 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, thu nội địa cả quý I đạt 315.400 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2018; thu về dầu thô đạt 12.280 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2018; thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I đạt 80.800 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Tiền lương chiếm phần lớn trong chi ngân sách: Áp lực tài chính công - Ảnh 1.

Thu nội địa cả quý I đạt 315.400 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2018 (Ảnh minh hoạ: KT)


Theo PGS. TS Tô Trung Thành, Trưởng khoa Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, quy mô thu ngân sách của Việt Nam hiện được đánh giá là cao so với các nước trong khu vực cũng như so với quy mô ngân sách hợp lý của nền kinh tế.  

Theo thống kê, trong những năm gần đây, quy mô thu ngân sách giảm dần, từ mức gần 30% GDP trong nhiều năm đến giai đoạn 2006-2009 giảm còn 26-28% GDP và giai đoạn 2015-2018, chỉ còn hơn 23%, nhưng vẫn ở mức cao so với quy mô ngân sách hợp lý và cao so với mức trung bình của ASEAN là 17,3%.

“Quy mô thu ngân sách cao ảnh hưởng đến tiết kiệm của khu vực tư nhân, làm giảm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực này. Ngoài ra, quy mô thu ngân sách cao còn có bất lợi là Chính phủ còn ít không gian để có thể giảm thâm hụt ngân sách qua tăng thuế, chịu nhiều áp lực phải làm ngược lại”, PGS. Tô Trung Thành nhận định.

Về cơ cấu thu ngân sách, PGS. Tô Trung Thành cho rằng, thu ngân sách của Việt Nam đang thiếu bền vững do thu từ dầu thô giảm mạnh trong những năm gần đây và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng có xu hướng giảm đi khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết theo các hiệp định thương mại tự do.

“Vai trò tăng lên của thu nội địa cho thấy thâm hụt ngân sách có nguy cơ tăng khi kinh tế gặp khó khăn, theo đó sẽ ảnh hướng không nhỏ tới tính bền vững của thu ngân sách nhà nước”, PGS. Tô Trung Thành nói.

Chi thường xuyên chiếm tới trên 75% tổng chi

Về chi ngân sách nhà nước , tổng chi quý I năm 2019 đạt 315.600 tỷ đồng, bằng 19,3% dự toán, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 46.700 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng chi; chi trả nợ lãi đạt 30.760 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng chi; chi thường xuyên đạt gần 237.200 tỷ đồng, chiếm 75,1% tổng chi.

Tiền lương chiếm phần lớn trong chi ngân sách: Áp lực tài chính công - Ảnh 2.

PGS. TS Tô Trung Thành, Trưởng khoa Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Như vậy, trong cơ cấu tổng chi, chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm 1 tỷ lệ rất khiêm tốn, trong khi chi thường xuyên vẫn ở mức cao, trong đó nhiều nhất là chi lương.

“Trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn rất lớn thì việc giảm mạnh chi đầu tư công mà không có nguồn thay thế sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực về dài hạn”, PGS. Tô Trung Thành cảnh báo.

Theo thống kê, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước đã liên tục cao (khoảng 70%) kể từ năm 2008. Đặc biệt, chi tiêu cho quản lý hành chính liên tục tăng cho thấy Việt Nam chưa đạt được kết quả tốt trong cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công.

Bên cạnh đó, tổng chi cho lương trong ngân sách của Việt Nam tương đối cao so với các quốc gia khác trong khu vực, tương đương với các quốc gia thu nhập trung bình. Với xu hướng như hiện nay, tỷ lệ chi lương của Việt Nam có thể dễ dàng vượt mức bình quân của các quốc gia thu nhập trung bình trong thời gian ngắn, và vào năm 2020, có thể cao hơn cả tỷ lệ hiện nay của các quốc gia thu nhập cao.

Ngoài ra, chi trả nợ lãi cũng chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng chi ngân sách nhà nước và đang có xu hướng ngày càng tăng, dẫn tới áp lực ngày càng lớn về tài chính công.

“Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Chính phủ cũng không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn”, PGS. Tô Trung Thành lo ngại.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, bài toán rõ ràng nhất đặt ra hiện nay là làm thế nào để cân đối thu chi bền vững chứ không phải là giải pháp đối phó tình thế.

Tiền lương chiếm phần lớn trong chi ngân sách: Áp lực tài chính công - Ảnh 3.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

"Bền vững không phải là ở thu mà quan trọng là ở chi. Bền vững còn liên quan đến nợ công, trong đó cần lưu ý không chỉ là nợ công mà còn nỗi lo nợ quốc gia do doanh nghiệp vay nợ nước ngoài. Không chỉ là doanh nghiệp nhà nước vay mà doanh nghiệp tư nhân cũng đã vay nước ngoài, bên cạnh đó còn là nợ chính quyền địa phương”, ông Thành lưu ý.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong chính sách tài khoá, “nguyên tắc vàng” là chi ít hơn thu nhưng với tình hình bất cân đối thu chi như hiện nay, tình hình ngân sách của Việt Nam có rất nhiều vấn đề, chi nhiều hơn thu đã thành "mãn tính".

“Đã đến lúc cần phải mạnh tay xiết chặt kỷ luật ngân sách, có giải pháp mạnh giảm chi thì mới hy vọng có thể giảm áp lực của ngân sách khi không gian tài khóa đang hẹp lại và tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước các cú sốc bất định”, ông Thành khuyến cáo.

Theo các chuyên gia kinh tế, để đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững nhưng vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa cần hướng đến trọng cung, trong đó nhấn mạnh phải giảm chi ngân sách chứ không phải tăng thu. Bên cạnh đó, phải cải cách mạnh bộ máy hành chính, giảm chi lương từ ngân sách, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư công./.

Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên