MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiên phong các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, GEC đang hoạt động như thế nào? (Kỳ 2)

15-02-2019 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

CTCP Điện Gia Lai (GEC, GEG: UPCOM) - đơn vị chủ lực trong ngành Năng lượng TTC vừa công bố các chỉ số tài chính tối ưu. Theo đó, tại ngày 31/12/2018, Tổng tài sản (TTS) của GEC đạt 4.359 tỷ đồng, tăng mạnh 163% so với đầu năm, đặc biệt Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 610 tỷ đồng, tăng 174% so với đầu năm.

Đồng thời nhờ nguồn tiền bổ sung từ đợt tăng vốn và tăng tài sản các dự án Điện mặt trời, cụ thể TS dài hạn đã tăng hơn 2,7 lần ở mức 3.131 tỷ đồng. Như vậy, với lượng tiền khá dồi dào và lớn gấp 6 lần so với Nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn chỉ vào khoảng 106 tỷ đồng, GEC hoàn toàn đảm bảo lượng tiền mặt để chi trả những khoản vay ngắn hạn.

Các chỉ số về Khả năng thanh toán trong năm 2018 tuy có giảm so với cùng kỳ do trong Quý IV, Công ty bắt đầu nhận giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng cho 2 Dự án Điện mặt trời Phong Điền và Krông Pa nhưng vẫn được duy trì ở mức rất cao. Chỉ số Thanh toán hiện hành và Thanh toán nhanh đều lớn hơn 2, thậm chí chỉ số Thanh toán tiền mặt còn được duy trì lớn hơn 1, đảm bảo không có bất kỳ rủi ro nào về thanh khoản. Do đặc thù về hoạt động kinh doanh, Hàng tồn kho của Công ty chỉ đóng một phần nhỏ trong TTS vì vậy Chỉ số Thanh toán hiện hành và Thanh toán nhanh của GEG không có sự chênh lệch lớn.

Tương tự đối với các Chỉ số về Cơ cấu vốn, khoản vay và gói trái phiếu hơn 1.200 tỷ đồng của Vietcombank và Agribank cũng là nguyên nhân chính làm tăng hệ số Nợ vay/TTS và Nợ vay/Vốn Chủ sở hữu (VCSH), tuy nhiên cơ cấu vốn vẫn rất an toàn so với Ngành và nằm trong vòng kiểm soát.

Ngoài ra, trong Quý IV, GEG đã hoàn thành việc phát hành thêm hơn 97 triệu cổ phần nhằm tăng Vốn điều lệ (VĐL) lên gần 1.942 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án Năng lượng tái tạo khác theo chiến lược đến năm 2022. Mặc dù việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong quá trình mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh là một thực tế mà hầu hết các công ty đều áp dụng; tuy nhiên, sẽ gây áp lực trả nợ, trả lãi vay và thanh khoản đặc biệt trong quá trình khoản đầu tư hay dự án chưa bước vào giai đoạn hoàn vốn. Chính vì vậy, để đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững, GEC không lạm dụng việc sử dụng đòn bẩy mà cân đối một cách hợp lý giữa Nợ vay và VCSH, duy trì một tỷ lệ hợp lý trong suốt quá trình phát triển.

Tại GEG, cùng sự tham gia của 2 Cổ đông chiến lược là Công ty Tài chính quốc tế IFC - Thành viên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Năng lượng sạch Armstrong - Quỹ đầu tư chuyên hoạt động trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo, Ban Lãnh đạo GEC đặt tiêu chí về phát triển bền vững lên hàng đầu, tránh phát triển nóng, triển khai ồ ạt nhưng kém hiệu quả. Trong nhiều năm vừa qua, Nợ vay đều có xu hướng giám và chỉ tăng khi thực sự triển khai dự án, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh hơn của VĐL. Đến hiện nay, 2 dự án Điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có thể đóng điện trong năm 2018 đều thuộc về GEC.

Với lợi thế đầu ra của sản phẩm được đảm bảo, GEC không tốn nhiều chi phí cho hoạt động bán hàng, năm 2018 Chi phí bán hàng thậm chí giảm gần 40%, chỉ còn 588 triệu đồng. Quản lý chi phí hợp lý và ổn định trong một khoảng thời gian dài cũng là những lợi thế của GEC, mặc dù trong năm Công ty lần đầu tiên triển khai 2 dự án Điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam nhưng tỷ lệ Chi phí Quản lý doanh nghiệp so với DTT chỉ tăng nhẹ từ 12% lên 15%.

Với hệ thống 14 Nhà máy Thủy điện vừa và nhỏ có tổng công suất 84,1 MW và 2 Nhà máy Điện mặt trời có công suất 117 MWp, GEC đang tạo ra dòng tiền thuần ổn định hàng năm. Kế hoạch năm 2019, GEC sẽ đưa vào vận hành thêm 2 Nhà máy Điện mặt trời tại Long An và Bình Thuận trước 30/6/2019 để hưởng giá bán điện ưu đãi trong suốt 20 năm là 9,35 cents/KWh, đảm bảo dòng tiền ổn định và khả năng sinh lời cao. Tổng công suất của 2 dự án này sẽ là 98 MWp. Ngoài ra, cũng trong năm 2019, GEC sẽ tiếp tục đóng điện thêm 4 Dự án Điện mặt trời nữa với tổng công suất là 177 MWp. Như vậy GEG hiện tại đang sở hữu danh mục 22 dự án gồm 14 Nhà máy Thủy điện đã hoạt động, 2 Điện mặt trời đã vận hành, 6 Điện mặt trời đang triển khai và sẽ hoạt động trong năm 2019. Tổng công suất của toàn bộ danh mục GEC sẽ bao gồm 84,1 MW Thủy điện và lên tới gần 400 MWp Điện mặt trời.

Cổ phiếu GEG hiện đang được đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Giá trị vốn hóa tại ngày 13/2/2019 đạt hơn 3.223 tỷ đồng, với thị giá là 16.600 đồng/cổ phiếu và khối lượng khớp lệnh là 470.200 cổ phần. Mặc dù quy mô của GEC chỉ ở mức trung bình so với thị trường, song với danh mục đa dạng và tiềm năng lớn về các dự án Năng lượng tái tạo, GEG đang sở hữu những lợi thế nhất định để hấp dẫn các nhà đầu tư đang quan tâm đến mảng Năng lượng tại Việt Nam.

Mặc dù thị trường chứng khoán năm 2018 chứng kiến nhiều biến động khi VN-Index là 1 trong 10 thị trường giảm mạnh nhất thế giới, nhưng đối với GEG tính đến 31/12/2018, diễn biến cổ phiếu vẫn rất tích cực khi tăng trưởng 35% so với đầu năm 2018, và nếu tính đến 13/2/2019, giá cổ phiếu GEG đã tăng trưởng đến 47%.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên