MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền sẽ chảy vào đâu?

18-03-2017 - 21:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ít nhiều có những quan ngại cho thị trường tiền tệ Việt Nam. Tuy nhiên, USD lại giảm giá. Có chuyên gia cho rằng, lãi suất VND khó bị ảnh hưởng.

Giá USD giảm nhẹ

Ngày 15/3, FED tăng lãi suất 25 điểm phần trăm lên 0,75%-1%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên trong năm 2017, lần thứ 2 trong vòng 4 tháng qua. Ngay sau 1 ngày phấn chấn tăng giá, đồng USD trên thế giới đã xoay chiều đi xuống và tiếp tục suy yếu so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong sáng 17/3 (giờ Việt Nam).

Bước sang ngày thứ hai sau khi FED tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm (TGTT) VND/USD áp dụng cho ngày 17/3/2017 như sau: 1 USD = 22.251 VND, giảm 1 đồng so với phiên 16/3/2017. Trước đó, phiên ngày 16/3, mức giảm mạnh tới 10 đồng. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD mua vào - bán ra lần lượt giảm từ 5 đồng (Vietcombank) tới 10 đồng (Vietinbank).

Trên thị trường tự do tại Hà Nội cùng ngày, đồng USD được giao dịch ở mức 22.790 đồng/USD chiều mua vào và chiều bán ra là 22.810 đồng/USD. “Giá USD giảm 10 đồng so với hôm qua và giao dịch trầm lắng không có hiện tượng ôm vào”, một chủ đại lý thu đổi USD cho hay.

Nói về sự tác động của việc FED tăng lãi suất đến thị trường ngoại hối, lãnh đạo một nhà băng khẳng định: “Trong điều hành tỷ giá, ngay từ đầu năm, NHNN đã tính tới yếu tố FED tăng lãi suất cũng như sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với USD. Thậm chí, từ đầu năm đến nay, họ đã có một số thời điểm bán USD để cân bằng cung cầu thị trường nhưng lượng ngoại tệ mua vào vẫn cao hơn bán ra”.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng: Thị trường ngoại hối Việt Nam kể từ khi FED nâng lãi suất tháng 12/2016 có chiều hướng ổn định trở lại, tỷ giá tự do giảm -1.9%. NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá tham chiếu thêm +0.6%, giảm bớt áp lực tăng tỷ giá khi FED nâng lãi suất trong tuần này. “Việc FED nâng lãi suất sẽ ít ảnh hưởng đến lãi suất VND trong thời điểm này”, ông Linh nói.

Tiền sẽ vào usd, vàng hay bất động sản

Phân tích của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra: FED tăng lãi suất đương nhiên sẽ khiến giá trị của đồng USD tăng. Nếu FED tăng mạnh lãi suất, nhiều quốc gia sẽ phản ứng lại bằng cách phá giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, nếu tỷ giá trong nước không tăng thì hàng hóa xuất khẩu nước ta sẽ bị đắt đỏ, mất tính cạnh tranh.

Với thực tế này, tiền sẽ chảy vào đâu từ nay đến cuối năm: vàng, USD hay chứng khoán, bất động sản? Về chứng khoán, chỉ số VNIndex đã tăng vượt ngưỡng 700 điểm lần đầu tiên sau 8 năm. “Thay vì rút vốn tại các thị trường mới nổi, khối ngoại đã kiên trì ở lại Việt Nam, thậm chí liên tục mua vào”, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN khẳng định.

Tại thị trường bất động sản (BĐS), với dòng vốn FDI đạt 3,4 tỷ USD

2 tháng đầu năm 2017, ước tính có một lượng vốn không nhỏ đã rót vào BĐS (năm 2016 nguồn vốn FDI vào BĐS đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ hai trong thu hút vốn đầu tư ngoại). Trước băn khoăn ngân hàng đã “siết” tín dụng vào BĐS, lãnh đạo một nhà băng cho hay, thực tế, đầu tư cho dự án BĐS mới thì giảm hẳn nhưng nhưng dự án tốt và đang thực hiện, chúng tôi vẫn rót mạnh tiền để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và dư nợ cho vay tiêu dùng BĐS vẫn tăng.

Tín dụng trong tháng đầu năm tăng nhanh hơn huy động, cụ thể tăng trưởng tín dụng tháng 1 là +1,75%, cao nhất 5 năm còn huy động giảm -1, 6%, thấp nhất 5 năm. Nếu tín dụng và huy động tiếp tục lệch pha kéo dài, theo các chuyên gia, hệ quả tất yếu là thanh khoản giảm và lãi suất sẽ tăng.“Dù USD có xu hướng tăng, song với chính sách lãi suất tiền gửi 0% với USD hiện nay thì so sánh gửi USD vẫn không có lợi bằng gửi ngân hàng với lãi suất 7%/năm”, một chuyên gia lưu ý.

Đánh giá về các kênh đầu tư cho năm 2017, ông Trí Hiếu cho rằng, trong nửa đầu năm 2017, gửi tiền tại các ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn và hiệu quả.

Hiện, Việt Nam sử dụng cơ chế kiểm soát dòng ngoại tệ nên rủi ro bị rút vốn làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ thấp hơn so với các nước châu Á khác. Theo giới nhà băng, giả sử hết quý 1/2017, TGTT tăng khoảng 0,5% so với cuối năm ngoái và cả năm nay tiền đồng mất giá chừng 2% so với USD.

Theo Khánh Huyền

Tiền phong

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên