MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu

24-10-2019 - 14:47 PM | Thị trường

Bộ Công Thương vừa có quyết định gia hạn biện pháp chống bán phá giá thêm 5 năm đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 21/10/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3162/QĐ-BCT về kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Cụ thể, thép do Công ty Shanxi Taigang Stainless Steel Co., Ltd. sản xuất/xuất khẩu; Tisco Stainless Steel (H.K.) Limited của Trung Quốc phân phối bị áp thuế 17,94%. Thép do các nhà sản xuất/ xuất khẩu khác của Trung Quốc bị áp thuế 31,85%.

Đối với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập từ Malaysia, mức thuế bị áp lần lượt là 11,09% và 22,69% với thép do Công ty Bahru Stainless Sdn.Bhd sản xuất/xuất khẩu, công ty thương mại Acerinox SC Malaysia Sdn. Bhd phân phối và các nhà sản xuất/ xuất khẩu khác.

Tương tự, thép do Công ty PT. Jindal Stainless Indonesia sản xuất/ xuất khẩu bị áp thuế 10,91% và sản phẩm của các nhà sản xuất/phân phối khác bị áp thuế đến 25,06%. Thép nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan bị áp thuế cao nhất, đến 37,29%.

Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành rà soát cuối kỳ vào tháng 10/2018 theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương và Hồ sơ đề nghị rà soát của đại diện ngành sản xuất trong nước. Việc điều tra được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.

Kết quả điều tra cho thấy sau 05 năm áp dụng biện pháp CBPG (từ tháng 10 năm 2014) đến nay, ngành sản xuất trong nước đã dần khắc phục được thiệt hại đáng kể trước đó nhưng mức tăng trưởng không ổn định và có chiều hướng chững hoặc suy giảm nhẹ.

Cụ thể, công suất sử dụng dần hồi phục và tương đối ổn định, tuy nhiên mức cao nhất đến nay mới đạt 69,4%. Sản lượng dần hồi phục và liên tục tăng trưởng so với thời điểm áp thuế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang giảm dần và chỉ tăng 1% trong giai đoạn rà soát cuối kỳ (2018-2019). Lượng bán hàng của ngành sản xuất trong nước so với giai đoạn bắt đầu áp dụng biện pháp CBPG tăng trưởng tương đối tốt nhưng đang có dấu hiệu giảm dần. Trong giai đoạn rà soát cuối kỳ, tổng lượng bán hàng trong nước của ngành sản xuất trong nước giảm 5% và tổng lượng bán hàng của ngành sản xuất trong nước giảm 1% so với giai đoạn trước đó.

Bên cạnh đó, thị phần của ngành sản xuất trong nước sau khi áp dụng biện pháp CBPG chính thức bắt đầu tăng, tuy nhiên đến giai đoạn rà soát cuối kỳ giảm, giữ ở mức 42,8%, trong khi thị phần hàng nhập khẩu là 57,2%.

Sau khi áp dụng biện pháp CBPG, doanh thu của ngành sản xuất trong nước có xu hướng tăng trưởng tích cực nhưng đang chững lại và đến giai đoạn rà soát cuối kỳ tăng trưởng doanh thu chỉ còn 4,69%. Xét về lợi nhuận, ngành sản xuất trong nước có lãi trong giai đoạn rà soát cuối kỳ với tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu ở mức rất thấp là 0,64%.

Căn cứ trên các số liệu thực tiễn của doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài, kết quả điều tra cho thấy vẫn còn tồn tại hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp với biên độ bán phá giá cụ thể như trên.

Biện pháp chống bán phá giá sẽ có hiệu lực 05 năm kể từ ngày 26/10/2019. Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài.

Quỳnh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên