MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiết lộ gây sốc của những nhân viên làm việc trên du thuyền hạng sang của giới siêu giàu

12-08-2017 - 08:04 AM | Sống

Trái với về ngoài xa xỉ và hào nhoáng, các du thuyền hạng sang ẩn chứa câu chuyện chưa từng được biết tới của những người phục vụ khoang.

Blake là một nhân viên từng làm việc tại casino trên hai du thuyền, một xa xỉ, một bình dân, đã kể lại những trải nghiệm không thể nào quên sau 6 năm làm việc trên khoang của mình.

Blake tiết lộ một trong những điều anh thấy sốc nhất là việc mọi nhân viên phục vụ trên tàu đều có thể quan hệ tình dục với nhau. Điều này đồng nghĩa “chẳng ai có khái niệm chân thành, chung thủy”.

Trong cuốn sách tựa đề Thrillist, Blake viết: “Tôi nhớ có một cặp đôi phục vụ trên tàu và ai cũng biết rằng họ sắp lấy nhau. Khi hợp đồng của người chồng chưa cưới hết hạn trước một tháng, anh này quay về Uruguay đợi cô. Khi anh này vừa hạ cánh xuống sân bay, cô gái đã có bạn trai mới”.

Blake chia sẻ hợp đồng đầu tiên anh ký với chủ tàu là khoản lương 950 USD một tháng. Dù vậy, số tiền này cũng chỉ bằng khoản tiền hoa hồng mà anh nhận được mỗi tháng.

Dù sao Blake vẫn chưa phải là trường hợp trả lương thấp nhất tàu. Theo tìm hiểu của anh, nhiều người phục vụ phòng chỉ được trả khoảng 200 USD một tháng.

Bên cạnh đó, Blake cũng cho biết điều kiện sống trên tàu vô cùng khổ sở. Mọi người phải chen chúc trong những gian phòng chật hẹp. Blake từng phải ở phòng rộng chưa đầy 5m2 với một người đàn ông khác. Để sống được trong gian phòng chật chội như vậy, Blake phải học cách “nhét toàn bộ thân hình kềnh càng vào một khoảng bé tí ti”.

Chia sẻ về những hành khách trên du thuyền xa xỉ, Blake nói “những người siêu giàu có thể vô cùng tồi tệ”. Anh nhớ có một ông trùm ngành hải sản Mỹ rất thích chơi xúc xắc.

Vào đêm nọ, một cô gái vô tình đá phải chiếc xúc xắc mà ông này vừa tung ra và ông mất vài trăm đô la. Ông ta đã tuôn ra những lời khó nghe nhất nhằm vào cô gái trẻ. Chỉ khi cô gái khóc nức nở, ông chủ ngành hải sản mới thôi. Blake nghĩ rằng kẻ lắm tiền kia thật tồi tệ nhưng ông ta vẫn “bo” nhân viên. Đấy là điều không phải vị khách nào cũng làm.

Một người Mỹ khác từng làm việc trên du thuyền tên Brian David Bruns cũng chia sẻ câu chuyện phục vụ trên du thuyền của mình. Hiện Brian đang sống ở thành phố Las Vegas và chuẩn bị ra mắt cuốn sách “kể tội” thời gian làm trên tàu xa xỉ.

Ở độ tuổi 30, Brian theo đuổi một nữ nhân viên phục vụ du thuyền và trở thành người Mỹ đầu tiên kết thúc trọn vẹn hợp đồng với tập đoàn Carnival Cruise Line mà không nghỉ giữa chừng. Trải nghiệm của Brian để lại những câu chuyện rất đáng lưu tâm.

Brian nói rằng duy trì một mức độ phục vụ cao cấp trên du thuyền là một thử thách không dễ dàng, đặc biệt là với những thượng khách thích phàn nàn và nát rượu.

Dù bên ngoài vẫn phải tươi cười hết mức nhưng chỉ cần cánh cửa phòng đóng lại, mọi người lại cùng nhau chia sẻ về những ông khách “nhớ đời”.

“Mỗi quốc tịch có một tên lóng khác nhau, nhưng nhân viên trên tàu chủ yếu nói chuyện xoay quanh những người phương Tây béo phì, đặc biệt là người Mỹ”, Brian nói. “Chúng tôi hay gọi khách ở nhà hàng là “con bò”. Điều này phản ánh thực tế là họ rất bệ vệ, rất lịch sự và chỉ đứng ăn cả ngày”.

Theo Brian, vấn đề khó chịu nhất với du khách là họ thường xuyên say xỉn. Một số người có vấn đề về giao tiếp và nhận thức khiến họ tưởng rằng mình là thượng khách trên du thuyền Titanic.

Brian nói rằng nhân viên trên tàu chỉ được xem là một mắt xích nhỏ trong toàn bộ quy trình của du thuyền. Họ bị “tập đoàn du lịch sở hữu”. Brian nói có lúc anh phải làm việc tới 100 giờ mỗi tuần và 15 tuần liên tiếp.

“Công việc luôn tay luôn chân và rất vất vả. Ở Mỹ, chúng tôi có quyền lợi, tiếng nói và một chút sự tôn trọng. Nhưng ở trên thuyền chúng tôi chẳng có gì”, Brian bộc bạch. “Có những người phải làm việc 7 ngày liên tiếp trong 10 tháng không nghỉ”.

“Tiền lương không thỏa đáng với số giờ làm việc và chủ yếu những công nhân từ các nước nghèo mới làm việc trên tàu. Do di chuyển giữa các quốc gia nên du thuyền lách luật trong việc tuyển mộ nhân viên. Dù họ nói rằng vấn đề làm việc quá tải không tồn tại nhưng ít nhất mỗi tuần một người phải làm trên 80 tiếng đồng hồ”, Brian viết trong cuốn sách của mình.

Chia sẻ về điều tồi tệ nhất của công việc phục vụ du thuyền, Brian nói rằng đó chính là sự mất tự do. Tập đoàn kiểm soát toàn bộ công nhân, kiểm soát ăn gì, ở đâu, khi nào, nhiệt độ phòng ngủ… Nếu đã làm việc 12 tiếng và du thuyền muốn họ làm việc thêm 4 tiếng nữa, nhân viên sẽ phải tuân phục vô điều kiện.

Dù công nhân làm việc vất vả nhưng hầu hết chỉ được ngủ 4 đến 5 tiếng buổi tối. Hầu hết nhân viên chợp mắt khi có thể vì nếu kéo dài liên tục cả tháng trời, những công nhân này sẽ chẳng khác gì các zombie.

Trịnh Thơm

Dailymail

Trở lên trên