MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiêu chuẩn hàng hóa của Việt Nam vẫn thấp xa so với thế giới

Tạo lập được môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Nhìn vào kết quả tăng trưởng GDP 5 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công có hiệu quả thì tăng cường xuất khẩu là giải pháp quan trọng.

Chính phủ cũng đã đặt ra các chỉ tiêu khá cụ thể nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay. Lĩnh vực nông nghiệp yêu cầu tăng 3,05% thì xuất khẩu nông sản cũng phải đạt trên 33 tỷ USD; lĩnh vực công nghiệp là 8% nên ngoài tăng cường xuất khẩu một số loại khoáng sản, dầu thô…các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện… tiếp tục phải được coi trọng.


Các doanh nghiệp cần có được sản phẩm đảm bảo được yêu cầu của các thị trường thế giới. (Ảnh minh họa: KT)

Các doanh nghiệp cần có được sản phẩm đảm bảo được yêu cầu của các thị trường thế giới. (Ảnh minh họa: KT)

Mặc dù đánh giá cao kết quả xuất khẩu trong thời gian qua, nhưng PGS.TS. Phạm Tất Thắng - Chuyên gia trong lĩnh vực thương mại lưu ý, vẫn còn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khi ra thị trường nước ngoài không đảm bảo chất lượng bị trả về. Do vậy, việc nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu là việc cần phải làm ngay.

Theo đánh giá của PGS.TS. Phạm Tất Thắng, tiêu chuẩn hàng hóa của Việt Nam hiện nay không hòa nhập và thấp xa so với tiêu chuẩn của thế giới. Chính vì thế cần phải điều chỉnh lại các bộ tiêu chuẩn, đồng thời phải cập nhật cho được những thay đổi về rào cản kỹ thuật đối với từng mặt hàng ở từng thị trường để cung cấp một cách thường xuyên cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Trong khi các quốc gia đã dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật thì rào cản kỹ thuật ở nước ta vẫn chưa được chú ý một cách đúng mức. Việc ý thức để đảm bảo không bị vấp phải hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được thường xuyên, chưa trở thành sự sống còn của các doanh nghiệp, nên cần phải thay đổi”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.

Các doanh nghiệp của Việt Nam không có cách nào khác là phải vươn lên để có được sản phẩm đảm bảo được yêu cầu của các thị trường thế giới - PGS.TS. Phạm Tất Thắng nhìn nhận đồng thời quả quyết: “Nếu các doanh nghiệp vượt qua được điều này coi như đã được cấp giấy thông hành cho sản phẩm hàng hóa vươn ra khắp thế giới, đảm bảo đáp ứng tốt sự phát triển trong bối cảnh hội nhập”.

Nhận định về diễn biến tình hình xuất nhập khẩu thời gian qua, chuyên gia kinh tế, TS.Võ Trí Thành cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay của Việt Nam vẫn là phải tham gia vào chuỗi cung ứng của thế giới. Việc liên kết được với các doanh nghiệp FDI, gắn với khai thác các lợi thế từ các thị trường mà Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại sẽ là cơ hội để thúc đẩy quá trình cải cách thể chế kinh tế.

“Có rất nhiều dư địa để khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh được kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam cần phải tận dụng tốt hơn các FTA, đặc biệt là các FTA chất lượng cao. Bởi vì những hiệp định này có nhiều cam kết liên quan đến những chính sách điều tiết liên quan đến sau đường biên giới, môi trường kinh doanh, tính minh bạch, quy trình và thủ tục… Hãy coi những FTA này như chất xúc tác để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình cải cách trong nước liên quan đến xuất khẩu”, TS.Võ Trí Thành nhận định.

Ở góc nhìn sâu xa hơn, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để mong đợi tăng trưởng xuất khẩu cao hơn trong thời gian tới là không dễ. Tăng cường xuất khẩu dầu thô, khoáng sản không đem lại tăng trưởng bền vững, cho nên giải pháp căn cơ vẫn phải là tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

“Lâu nay kim ngạch xuất khẩu tăng như vậy là điều đáng mừng và rõ ràng là một mức tăng rất tốt trong bối cảnh thị trường thế giới hiện nay. Nhưng kim ngạch xuất khẩu trong tương lai khó có thể tăng cao hơn như từng có, cho nên phải tìm cách phát triển ở những lĩnh vực khác để thay thế xuất khẩu như một động lực tăng trưởng”, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá.

Theo các chuyên gia, cùng với việc tìm kiếm các thị trường mới thì Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc vẫn là các thị trường xuất khẩu lớn và là các đối tác quan trọng của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng các yêu cầu cao về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu tại các thị trường này./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên