MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Tiêu điểm tuần 18/09 - 22/09] Giới đầu tư đang chú ý tới điều gì ?

Thị trường tài chính toàn cầu tới đây được dự đoán sẽ giành nhiều sự chú ý cho các chính sách tiền tệ trên nhiều quốc gia, các đề xuất giảm thuế phí cũng như thể hiện sự kì vọng của giới đầu tư vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới…

Tiêu điểm thị trường tài chính Việt Nam: Bộ tài chính tiếp tục họp bàn đề xuất giảm một loạt loại phí sau kiến nghị tăng thuế GTGT

Mới đây, Bộ tài chính đã gửi 3 công văn đến các bộ, cơ quan ngang bộ, các phòng ban liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lấy ý kiến về dự thảo 3 thông tư sửa đổi Thông tư số 279/2016/TT-BTC; 207/2016/TT-BTC và 284/2016/TT-BTC.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai vừa qua đã ký một loạt công văn lấy ý kiến cho các dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung liên quan đến phí và lệ phí. Nếu đề xuất này được áp dụng, hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như dược, thủy sản, an toàn thực phẩm, hóa mỹ phẩm... sẽ được hưởng lợi. Xét đến việc khi chi phí giảm, tuy về ngắn hạn có thể giảm nguồn thu nhưng về dài hạn sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra thêm việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế khi doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi.

Các đề xuất đưa ra tới đây sẽ điều chỉnh giảm từ 10% đến 83% đối với từng mức thu phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực thuốc, an toàn thực phẩm. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh giảm từ 10% đến 20% và đề xuất giảm 5% mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư nuôi trồng thuỷ sản nhập khẩu, giảm 5,66% mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm vật tư nuôi trồng thuỷ sản đối với đăng ký lại/gia hạn.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra dự thảo thông tư đề nghị giảm 50% mức thu lệ phí đăng ký thành lập, thay đổi nội dung đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mức thu phí cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên từ 5 triệu đồng/tháng giảm xuống còn 4,5 triệu đồng tháng. Mức thu phí kiểm định cũng được đề xuất giảm từ 20% đến 50% tuỳ từng loại phương tiện. Mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được đề xuất giảm 10%...

Tiêu điểm thị trường tài chính thế giới

Chính sách tiền tệ của các Ngân hàng trung ương lớn đang là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong tuần tới.

Mỹ: Họp báo của FED

Cục dự trữ liên bang Mỹ dự kiến ​​sẽ công bố kế hoạch bắt đầu cơ cấu lại danh mục tài sản trị giá 4,2 nghìn tỷ đô la Mỹ, hướng tới việc bình thường hóa chính sách tiền tệ đang duy trì gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đang đặt ra liệu FED có nên tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay hay không. Trong khi FED và hầu hết các nhà kinh tế học cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng chậm, bằng chứng là phần lớn các dữ liệu của nền kinh tế đã giảm đi trong nhiều tháng. Các con số về lạm phát liên tục là một câu hỏi hóc búa đối với các nhà hoạch định chính sách, vì không có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 2%. Theo chỉ báo FedWatch của CME Group, khả năng nâng lãi suất trong tháng 12 năm nay vẫn chưa thật sự chắc chắn.

Nhật Bản: Công bố về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ công bố chính sách tiền tệ, trong đó bao gồm cả mức lãi suất cơ bản vào thứ năm, kèm theo đó là cuộc họp báo để giải thích các câu hỏi của báo chí về định hướng của các chính sách tiền tệ trong tương lai. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kinh tế Nhật Bản đang phục hồi tốt, thể hiện ở các con số ấn tượng trong tăng trưởng GDP cũng như hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu. Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng tăng điểm khá tích cực trong thời gian qua. Theo đó, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ không có thay đổi gì trong chính sách tiền tệ của mình. Mức lãi suất cơ bản dự kiến sẽ giữ nguyên ở mức -0,1%.

Australia: Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương diễn ra

Cuộc họp này sẽ diễn ra vào ngày thứ ba, và kết quả sẽ được công bố ngay sau đó. Đây là cuộc họp được diễn ra hàng tháng, để các nhà điều hành Ngân hàng trung ương Australia có phương án thống nhất cho chính sách tiền tệ và lãi suất trong thời gian tới. Giới đầu tư đang băn khoăn liệu có chính sách gì mới để thúc đẩy kinh tế nước này hay không, khi chỉ số chứng khoán ASX của Australia vẫn duy trì xu hướng đi ngang từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng bằng chính sách tiền tệ trong thời gian tới, vì các nhà hoạch định chính sách của Australia lo ngại điều này sẽ làm thị trường bất động sản tăng quá nóng.

New Zealand: Bầu cử Nghị viện và hy vọng về chính sách tiền tệ - kinh tế cải thiện

Các cử tri của New Zealand sẽ bỏ phiếu bầu cử Nghị viện lần thứ 52 của nước này vào ngày thứ bảy tới đây. Thị trường New Zealand đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị lớn lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, trong khi đang bị lúng túng bởi chính sách tiền tệ và kinh tế. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng Lao động đối lập chính đang chiếm ưu thế hơn đảng Quốc gia đương nhiệm. Tuy vậy, chỉ số chứng khoán của nước này vẫn tăng 12,8% từ đầu năm đến nay và giao dịch ở mức P/E trên 17.

Kỳ vọng sự ổn định trở lại của đồng Bitcoin

Một loạt các chính sách mạnh tay nhắm vào tiền điện tử của chính phủ Trung Quốc trong tuần qua đã khiến thị trường tiền điện tử chao đảo. Giá Bitcoin đã tuột dốc gần 30% kể từ đầu tháng 9 và chưa có dấu hiệu cho thấy sự ổn định trở lại. Sự giảm giá của Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác tuy chưa gây ảnh hưởng đáng kể nào đến kinh tế thế giới, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ các quỹ đầu cơ đã đặt cược vào tiền điện tử trong thời gian qua.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên