MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Tiêu điểm tuần 25/09 - 29/09] Giới đầu tư đang chú ý tới điều gì?

Thị trường tài chính toàn cầu tới đây sẽ dành nhiều sự chú ý cho các sự kiện kinh tế quan trọng trên nhiều quốc gia cũng như thể hiện sự kì vọng vào việc tăng trưởng tín dụng Việt Nam trong thời gian tới…

Tiêu điểm thị trường tài chính Việt Nam: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21%

Tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2017?

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thể hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% với hy vọng đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017. Việc ngân hàng nhà nước cắt giảm lãi suất trong thời gian gần đây đã thể hiện rõ mục tiêu của Chính phủ về việc tăng trưởng GDP thông qua kênh tín dụng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một thông báo chính thức nào về việc tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng Việt

Nam nên khuyến khích tiêu dùng trong nước qua đó tạo niềm tin cho thị trường, đẩy mạnh đầu tư, bên cạnh đó cần có thêm nhiều biện pháp hơn nữa để thúc đẩy thị trường trong thời gian tới.

Theo nhận định của các chuyên gia HSBC thì việc tăng trưởng kinh tế thông qua kênh tín dụng là một chiến lược hợp lý khi vai trò của tiêu dùng tư nhân và đầu tư ngoài quốc doanh ngày càng tăng.


Biểu đồ: HSBC cho rằng tăng trưởng tín dụng có thể vượt qua mức tăng 2016 - đạt mục tiêu 21% vào cuối năm.

Biểu đồ: HSBC cho rằng tăng trưởng tín dụng có thể vượt qua mức tăng 2016 - đạt mục tiêu 21% vào cuối năm.

Tuy nhiên theo góc nhìn khác thì việc tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng được phân bổ cho các ngành kém hiệu quả. Ví dụ, các lĩnh vực liên quan đến bất động sản cho thấy vẫn đang góp phần nhiều nhất cho tổng tăng trưởng tín dụng cả nước mặc dù trong những tháng gần đây thì tỷ lệ này đã giảm. Bên cạnh đó, những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng các DNNN hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính vì vậy, việc đặt ra yêu cầu cao về chất lượng và việc phân bổ tín dụng bên cạnh việc giải quyết các vấn đề nợ xấu đang hiện hữu đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo rằng tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được chuyển thể vào tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn trong tương lai.

Tiêu điểm thị trường tài chính thế giới

Hoa Kỳ: Công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng, số lượng hàng hóa lâu bền và dự trữ dầu thô

Tuần tới sẽ có rất nhiều thông tin kinh tế quan trọng của Hoa Kỳ được công bố. Vào ngày thứ Ba, chỉ số niềm tin tiêu dùng (Consumer Confidence) sẽ là tâm điểm của thị trường. Do đặc thù là nền kinh tế dựa vào tiêu dùng trong nước, các con số đánh giá về nhu cầu tiêu dùng nội địa của Hoa Kỳ luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Kỳ này, các chuyên gia đã đưa ra nhận định thận trọng và dự báo chỉ số niềm tin tiêu dùng sẽ giảm so với tháng trước, nguyên nhân do tình hình tăng trưởng việc làm đang chậm lại theo báo cáo vừa được công bố vào đầu tháng.

Đối với giới kinh doanh, con số đáng lưu ý là số lượng đơn hàng hóa lâu bền (Durable Goods Orders) được công bố vào thứ Tư. Theo dự báo, con số tháng này sẽ tăng 1,5% so với tháng trước, phản ánh sự tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp. Hàng hóa lâu bền được giới đầu tư hiểu là các loại máy móc có thời hạn sử dụng rất dài. Lượng đơn hàng lâu bền tăng cho thấy sản xuất công nghiệp đang mở rộng và các nhà máy có thêm nhu cầu đầu tư mua sắm máy móc.

Cũng trong ngày thứ Tư, thị trường dầu mỏ sẽ chú ý tới báo cáo về dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia dự báo, kỳ này dự trữ dầu thô sẽ tăng 4,5 triệu thùng. Thông thường, khi dự trữ dầu thô tăng lên, nhu cầu tích trữ dầu mỏ sẽ giảm đi và giá dầu cũng sẽ giảm đi.

Châu Âu: Bầu cử ở Đức và công bố con số lạm phát

Tại Châu Âu, sự kiện chính trị quan trọng nhất là cuộc bầu cử ở Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel thắng nhiệm kỳ 4 trong cuộc tổng tuyển cử, nhưng chiến thắng bị phủ bóng đen khi đảng cực hữu lần đầu vào quốc hội.

Tại đây, giới đầu tư đang chú ý đến con số lạm phát tháng 9 của Đức, sẽ được công bố vào ngày thứ Năm. Con số đang được dự báo ở mức 1,8%, rất gần với mục tiêu 2% của khối Eurozone. Đức cũng sẽ công bố tỷ lệ thất nghiệp vào cùng ngày, con số đang được kỳ vọng giữ nguyên ở mức 5,7%. Giới đầu tư đang kỳ vọng các con số tích cực sẽ hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán Đức.

Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi, sẽ có 2 bài phát biểu vào ngày thứ Hai và thứ Sáu. Rất có thể trong 2 bài phát biểu của mình, ông sẽ đưa ra một vài quan điểm đánh giá về tình hình kinh tế Châu Âu và kế hoạch đối với chính sách tiền tệ của ECB. Vì vậy thị trường Châu Âu cũng sẽ theo dõi sát sự kiện này.

Nhật Bản: Công bố chỉ số PMI, chính sách tiền tệ và tỷ lệ thất nghiệp

Thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ tiếp tục sôi động khi đón nhận 3 sự kiện quan trọng trong tuần tới.

Nhật Bản sẽ công bố chỉ số PMI tháng 9 vào ngày thứ Hai. Con số được dự báo tăng 0,1 điểm, phản ánh sự tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp ở nước này. Trong suốt nhiều tháng nay, hoạt động xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa tích cực đã giúp hoạt động sản xuất công nghiệp tăng lên tại Nhật Bản.

Vào ngày thứ Tư, giới đầu tư sẽ chú ý tới cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Theo các chuyên gia dự báo, chính sách tiền tệ sẽ không có gì thay đổi và BoJ sẽ tiếp tục tiến hành nới lỏng tiền tệ như đã thực hiện trong thời gian qua.

Vào ngày thứ Sáu, Nhật Bản sẽ công bố tỷ lệ thất nghiệp của tháng 8. Các nhà phân tích đang đưa ra quan điểm thận trọng và dự báo tỷ lệ thất nghiệp kỳ này sẽ tăng 0,1% lên mức 2,9%.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên