MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm cách giải cứu xăng E5

11-05-2019 - 14:00 PM | Thị trường

Nhiều đại lý xăng dầu ngừng bán xăng sinh học E5, chỉ bán xăng A95.

Sức tiêu thụ xăng sinh học E5 tại thị trường Việt Nam không tăng như mong muốn, thậm chí có xu hướng giảm dần . Doanh nghiệp đề nghị phải có giải pháp khẩn để xăng sinh học không “chết yểu”.

Báo động tiêu thụ xăng sinh học E5 giảm

Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) mới đây đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính liên quan đến việc kinh doanh và sử dụng xăng sinh học E5.

Văn bản nêu rõ xăng E5 chưa phát triển tương xứng với yêu cầu và mục đích đề ra là thay thế xăng A92 đã ngưng kinh doanh từ đầu năm 2018. Qua khảo sát nhiều đầu mối có hệ thống phối trộn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu lớn cho thấy tỉ trọng xăng E5 trong cơ cấu xăng (bao gồm E5 và A95) ngày càng giảm.

“Tỉ trọng xăng E5 bình quân năm 2018 của công ty là 30,06%, trong khi tháng 3-2019 giảm xuống chỉ còn 19,76%. Đây là con số rất đáng báo động, cho thấy tỉ trọng xăng E5 có chiều hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới” - Saigon Petro dẫn chứng.

Một số công ty khác cũng thừa nhận tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 trong ba tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ. Khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy nhiều cửa hàng bán lẻ không mặn mà bán xăng E5. Thậm chí có đại lý bỏ hẳn trụ bơm bán xăng E5 và chuyển sang bán A95 khoáng.

“Chênh lệch giá xăng giữa E5 và A95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng quan tâm, sử dụng loại xăng này. Cộng thêm xe đời mới xuất xưởng chủ yếu là xe tay ga nên chủ xe không đổ xăng E5. Ngoài ra, chiết khấu thấp cũng khiến các đại lý không mặn mà bán xăng sinh học” - anh T. (chủ một đại lý xăng tại quận Tân Bình, TP.HCM) thừa nhận.

Đại diện cửa hàng xăng dầu Dương Đông (quận Tân Phú, TP.HCM) thì cho hay mỗi ngày bán được khoảng 1.000 lít xăng E5, trong khi lượng xăng A95 bán ra gấp ba lần. Người mua xăng E5 chủ yếu là xe chở hàng, còn chủ xe tay ga như SH, Air Blade... thì không đổ. Riêng ô tô lại càng không.

“Tôi cho rằng việc quảng bá về xăng E5 làm chưa tới nơi tới chốn. Bởi vậy, dù chưa có bằng chứng nào chỉ ra xăng E5 gây tổn hại cho động cơ xe nhưng nhiều người vẫn không tin tưởng vào loại xăng này. Thậm chí có trường hợp nhân viên lỡ đổ E5, khách hàng yêu cầu hút xăng ra để đổ xăng A95” - chủ đại lý cho biết.

Dưới góc độ người tiêu dùng, anh Nguyễn Văn Lân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể anh đang chạy chiếc Suzuki Grand Vitara đời 2017. Trước đây anh từng đổ xăng E5 nhưng có cảm giác máy hơi gầm khi xe bắt đầu lăn bánh. Đặc biệt khi xe tăng tốc thì tiếng máy không “mượt, êm” như khi dùng xăng A95. Do đó anh quyết định không dùng xăng E5 nữa.

“Tôi cũng giống như nhiều người khác, khi dùng xăng E5 có cảm giác không an tâm. Mặt khác, các xe đời mới sau này đều được nhà sản xuất khuyến nghị dùng xăng A95. Nói chung, xe nào cứ đạt chuẩn Euro 4 trở lên thì nhà sản xuất đều khuyến nghị dùng A95, đặc biệt là dòng xe từ châu Âu” - anh Lân cho hay.

Tìm cách giải cứu xăng E5 - Ảnh 1.

Hiện nay vẫn còn nhiều người băn khoăn về chất lượng xăng E5. Ảnh: TÚ UYÊN

Hướng ra nào cho xăng sinh học?

Để “cứu” xăng sinh học, Saigon Petro đề xuất xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo số tuyệt đối một cách phù hợp, ví dụ 500-1.000 đồng/lít và không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỉ lệ ethanol như hiện nay. Mục tiêu là tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và A95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít.

PGS-TS Huỳnh Quyền, Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ, ĐH Quốc gia TP.HCM, phân tích: Tiêu thụ xăng E5 giảm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, phần lớn khách hàng hiện nay vẫn còn chưa hiểu hết về loại xăng này, đặc biệt là lợi ích từ xăng E5 mang lại trong vấn đề góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân do việc tuyên truyền về lợi ích của xăng E5 hầu như rất ít hoặc không có ngay từ khi thay thế hoàn toàn A92 bằng xăng E5.

Thứ hai, người tiêu dùng chưa được thông tin đầy đủ về đặc tính kỹ thuật và rất e ngại xăng E5 sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ của phương tiện đang sử dụng. Thứ ba là giá của xăng E5 chưa thật sự hấp dẫn người sử dụng ô tô, xe máy.

“Tôi cho rằng khi giá xăng E5 chưa thực sự hấp dẫn người sử dụng, Nhà nước cần có chính sách và giải pháp phù hợp. Đồng thời kêu gọi các đơn vị sản xuất, kinh doanh và phân phối phương tiện giao thông sử dụng động cơ xăng có thể sử dụng xăng E5 tham gia hỗ trợ việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về sử dụng xăng E5. Ngoài ra, cần tuyên truyền rõ về những tiêu chí kỹ thuật sử sụng E5 và các nghiên cứu được công bố sau sử dụng E5 để người dùng yên tâm” - TS Quyền đề xuất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mới đây cũng đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa mức thuế môi trường đối với xăng E5. Đồng thời có những giải pháp, chính sách phù hợp khác để tạo sự cách biệt hợp lý về giá giữa hai loại xăng A95 và E5 nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT tổ chức thực hiện quy hoạch nguồn nguyên liệu sắn để sản xuất ethanol E100 phục vụ phối trộn xăng E5 nói riêng, nhiên liệu sinh học nói chung. Bộ GTVT phối hợp với các nhà sản xuất, kinh doanh xe sớm đưa ra khuyến cáo, thông báo rộng rãi các loại xe, phương tiện nào sử dụng được xăng E5. Từ đó để chủ xe, chủ phương tiện và người dân an tâm sử dụng xăng E5.

Thuế cao nên chưa khuyến khích dân mua xăng E5

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin: Từ đầu năm 2018 đã đưa xăng E5 vào thay thế xăng A92. Năm 2018, xăng E5 đã tiêu thụ 3,118 triệu m3, tương đương khoảng 42% lượng xăng tiêu thụ trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ba tháng đầu năm 2019, theo số liệu báo cáo, lượng xăng E5 tiêu thụ khoảng 740.000 m3, tương đương 38% tổng lượng xăng. Như vậy, lượng tiêu thụ xăng sinh học giảm.

Hiện nay mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khoáng là 4.000 đồng/lít, trong khi xăng E5 là 3.800 đồng/lít. Như vậy không khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn xăng E5, vì hiện nay vẫn còn nhiều băn khoăn về chất lượng xăng E5, nói một cách dân dã là khi chạy bằng xăng E5 "chưa bốc" bằng xăng khoáng.

"Hiện nay mức thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 được tính bằng 95,1% mức thuế so với xăng khoáng. Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng mức này chưa hợp lý và cần cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 dựa theo mức độ khí phát thải (75%-80% mức thuế đối với xăng khoáng) thay vì cách tính cơ học bằng 95,1% như hiện nay" - ông Hải nhấn mạnh.

Theo Tú Uyên

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên