MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm “mảnh đất cắm dùi” giữa chốn đô thị

05-02-2019 - 15:19 PM | Bất động sản

Ngày tốt nghiệp đại học, Lan không theo chúng bạn trở về quê mà quyết định ở lại Sài Gòn lập nghiệp với khao khát có thể mua được một căn hộ ở chốn phồn hoa.


Nhiều người lao động làm việc cả đời cũng không đủ tiền để có được "mảnh đất cắm dùi" giữa chốn đô thị

Sau 5 năm đi làm ở một doanh nghiệp, Lan tích góp mua được một căn nhà tập thể rộng 30m2 ở vùng ven thành phố giá hơn 400 triệu đồng, nơi dân cư hẻo lánh, muỗi mòng bay cả đàn. Sống ở đó, vừa không thuận tiện đi làm, vừa chẳng dễ dàng để ở.

Giấc mơ an cư nơi phố thị

Ba năm sau, Lan lập gia đình, có con và lúc đó khát khao được ở riêng lớn hơn bao giờ hết. Nhưng nhìn lại, tổng thu nhập hai vợ chồng chưa đến 15 triệu đồng/tháng, chi tiêu cho 4 người. Mặc dù vun vén, ăn chẳng dám ăn, chẳng dám xài nhưng vẫn không tích góp đủ tiền để mua nổi một căn nhà ở xã hội giá vài trăm triệu đồng ở thành phố.

Cách đó hơn 1.000 km, trên chuyến xe giường nằm cùng vợ con về quê ăn tết, Hùng đã ngồi bật dậy khi nghe đến câu hát "Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có tình người là đắt thôi".

Bản nhạc nhà xe "đãi khách" dọc hành trình đã vô tình đánh trúng tim đen của Hùng, cậu đùa bản nhạc nên sửa thành"Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có giá nhà là đắt thôi". Bởi đã 5 năm tích góp vợ chồng Hùng vẫn "đêm đêm nằm mơ phố" khi chưa tìm được dự án nào hợp lý nhất để "đặt cọc". Không chịu nổi lãi suất ngân hàng, Tết này về quê Hùng hy vọng sẽ thuyết phục được hai bên gia đình hỗ trợ thêm về tài chính.

Dù khát vọng chính đáng, dù thị trường đang có cả trăm chương trình khuyến mại, hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng cho các dự án bất động sản nhưng giấc mơ "an cư lạc nghiệp" tại thành phố lớn của cả chục nghìn gia đình trẻ như Lan, như Hùng vẫn còn dở dang.

Tất nhiên việc mua nhà, nhất là nhà ở thành phố không phải ngày một ngày hai mà có được. Có người phải vất vả đi làm, nhà đi thuê cả đời mới dành dụm tích góp được số tiền để mua, và cũng là mua cho con, còn mình lại về quê với vườn tược, lợn gà. Có người lại quyết chí mua nhà sớm quá để rồi đòn bảy tài chính bị ngã cuối cùng nhà mất nợ mang… Có cả một nghìn lẻ một câu chuyện mua nhà trên thành phố, nhưng tất thẩy đều giống nhau ở một điểm: Giấc mơ an cư nơi phồn thị.

Kế hoạch dở dang

Còn nhớ, sau mấy mươi năm cả dân tộc gồng mình cho hai cuộc kháng chiến, niềm vui của đại bộ phận dân chúng khi ấy đơn giản chỉ là "có cơm ăn áo mặc" chứ chưa dám mơ "ăn ngon mặc đẹp".

Ở Hà Nội, chỉ giới trí thức hay công nhân mới được phân ở trong những căn hộ tập thể, như thế đã là sang lắm rồi. Vốn dĩ đất chật người đông, giá đất chưa khi nào rẻ, việc có được một căn hộ tập thể trên thành phố khi đó đã là một thành quả lớn trong đời người, lớn đến mức việc đó giống như "vinh quy bái tổ", thậm chí ở nhiều vùng quê, trong lúc trà dư tửu hậu, các vị cao niên trong họ còn lấy việc có nhà Hà Nội ra làm tiêu chí hay làm thước đo cho sự thành đạt của người nọ người kia trong dòng họ.

Từ thập niên chín mươi cho đến hôm nay, các thành phố lớn trong đó có Hà Nội đã không ngừng được mở rộng. Từ một Hà Nội – trong sông với "Nhị Hà quanh bắc sang đông – Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này", rồi đến thời điểm năm 2008 khi sáp nhập Hà Tây - Hà Nội thì diện tích thủ đô đã tăng lên mấy chục lần. Cũng từ đó những ngôi nhà cao tầng nhanh chóng mọc lên san sát, có những vùng đô thị ken đặc một màu bê tông trắng – xám. Các dự án nhà ở từ hạng sang, cao cấp đến các dự án vừa túi tiền, các dự án nhà ở xã hội nhà ở cho người có thu nhập thấp với đủ tên mỹ miều như trăm hoa đua nở.

Ấy thế mà, trong báo cáo "Làn sóng lớn" được công bố gần đây từ tổ chức UN – Habita (chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc) khiến nhiều người phải giật mình, có khoảng 27% cư dân đô thị Việt Nam đang sống trong điều kiện nhà ở chất lượng thấp, tương đương 31 triệu người. Nhiều người lao động làm việc cả đời cũng không đủ tiền để có được "mảnh đất cắm dùi" giữa chốn đô thị.

Một lãnh đạo ngành xây dựng từng nói, một thị trường bất động sản bền vững thật sự chỉ khi đáp ứng được nhu cầu nhà ở của số đông bộ phận dân chúng, số đông đó chính là những người có thu nhập trung bình, thấp tại các đô thị chứ không phải là số ít những người giàu có. Tuy nhiên, nếu nhìn vào diễn biến của thị trường và những con số báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường công bố dễ dàng nhận thấy sự lệch pha cung cầu của thị trường bất động sản ngày càng rõ rệt.

Hiện tại, giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập trung bình năm của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. Năm 2018, nguồn cung của phân khúc nhà giá rẻ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20%. Loại căn hộ có diện tích 60m2 và giá bán tầm 700 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5%. Và khoảng 80% người dân thành thị không thể mua nhà tại những dự án nhà ở thương mại có chất lượng vào hàng tối thiểu và có giá bán thấp nhất trên thị trường.

Với ý nghĩa nhân văn rộng lớn, cùng một tầm nhìn dài hạn, Bộ Xây dựng đã dồn khá nhiều tâm sức vào việc xây dựng dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011. Điểm nổi bật trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26m2/sàn và tại nông thôn đạt 19m2 sàn/người. Nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 440.000 căn hộ.

Tuy nhiên, chỉ còn 1 năm nữa Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia chính thức chạm mốc 2020, trong khi kết quả thực hiện an cư cho người dân nghèo mới thực hiện được 30% kế hoạch, 70% kế hoạch còn lại chắc chắn sẽ dở dang.

Hiện nay đất nước đã phát triển đến mức thu nhập trung bình, cái đói cơ bản được giải quyết, nhu cầu về nhà ở trở nên bức thiết. Trách nhiệm đảm bảo nhà ở thuộc về Nhà nước, của người dân và của cả cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, điều mà người dân mong đợi từ cơ quan quản lý là những hành động cụ thể dễ nhớ hơn là những con số và kế hoạch mơ hồ về nhà ở.

Theo Thiên Bình

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên