MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tin buồn cho thung lũng Silicon: Chính quyền Mỹ bắt đầu siết chặt chương trình visa H-1B

04-04-2017 - 15:47 PM | Tài chính quốc tế

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền của ông Trump đưa ra những động thái điều chỉnh chương trình này. Tháng trước, cục di trú đã đình chỉ chương trình cấp visa nhanh cho những lao động lành nghề được trả lương cao.

Chính quyền Mỹ đã bắt đầu thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump về chương trình visa H-1B lâu nay vốn là “đường cao tốc” giúp các hãng công nghệ tuyển lao động nước ngoài. Tuy nhiên, vào thứ 6 tuần trước, Sở Di trú và Nhập cư Mỹ (USCIS) đã khiến cho tuyến đường cao tốc này chậm lại.

Hôm qua, cơ quan này cũng vừa mới ra một bản ghi nhớ bao gồm một số biện pháp mới để chống lại các hành vi "gian lận và lợi dụng" chương trình này. Bộ Tư pháp Mỹ cũng cảnh báo các nhà tuyển dụng Mỹ xin cấp phép visa H-1B không phân biệt đối xử với người lao động Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump đã hứa hẹn cải tổ hệ thống nhập cư và cũng kêu gọi các nhà tuyển dụng thuê thêm người lao động Mỹ thay vì thuê lao động nước ngoài với chi phí thấp hơn hoặc đưa việc làm ra ngoài Mỹ. Rất nhiều trong số các công ty công nghệ lớn nhất Silicon Valley được thành lập hoặc điều hành bởi người nhập cư. Họ phụ thuộc vào chương trình H-1B. Họ cho rằng nỗ lực ngăn chặn nhập cư chỉ làm cản trở tính sáng tạo, quy trình tuyển dụng và mô hình khởi nghiệp của họ.

Bên cạnh đó cũng có nhiều người cho rằng cải cách là cần thiết. Phía này lập luận rằng lao động theo diện H-1B là đối tượng dễ bị lợi dụng nhất vì tình trạng pháp lý của họ gắn liền với một ông chủ nhất định. Viện Chính sách Kinh tế cũng ước tính trong năm 2013 có khoảng 460.000 lao động theo diện H-1B.

Đây không phải là lần đầu tiên của chính phủ Mỹ có động thái điều chỉnh chương trình H1-B. Tháng trước, Sở Di trú đã đình chỉ chương trình cấp visa nhanh H-1B cho lao động lành nghề và kỹ thuật cao. Động thái ngày hôm qua của USCIS nhằm vào các công ty công nghệ và công ty gia công phần mềm. Ngay sau tuyên bố của USCIS, cổ phiếu của Cognizant Technology Solutions Corp., Infosys Ltd., Wipro Ltd. và Accenture Plc đều giảm hơn 1%.

Chỉ đạo mới đây mà chính phủ Mỹ đưa ra hôm thứ 6 yêu cầu các công ty bổ sung thông tin chứng minh các lập trình viên máy tính theo diện visa H-1B rằng công việc của những người này đòi hỏi nhiều kiến ​​thức và kinh nghiệm. Chỉ đạo này có giá trị ngay lập tức, vì vậy nó sẽ tác động trực tiếp vào quá trình xin visa hàng năm của các công ty bắt đầu từ ngày hôm qua. Chỉ đạo mới của chính phủ không quy định rõ cấm xin visa H-1B cho công việc nào. Thay vào đó, những công việc lập trình máy tính đơn giản mất bị điều tra khắt khe hơn.

Ron Hira - Phó giáo sư của Đại học Howard chuyên nghiên cứu về chương trình H-1B nói: "Đây là một bước đi đúng hướng. Bạn sẽ phải nói rõ lý do tại sao bạn cần người này."

Các công ty công nghệ và gia công phần mềm là đối tượng sử dụng nhiều nhất lao động theo diện H-1B. Theo chuyên gia phân tích thuộc Bloomberg Intelligence - Caitlin Webber, trong năm 2016 có hơn 13.000 lập trình viên máy tính được cấp visa H-1B với mức lương trung bình khoảng 72.000 USD. Năm 2015, khoảng 1 nửa số visa H-1B được Bộ Lao động Mỹ cấp là dành cho các lập trình viên máy tính. Trong đó 41% người làm ở các vị trí thực hiện những công việc hàng ngày đơn giản. Tuyên bố của chính phủ Mỹ hôm thứ 6 cũng đặc biệt nhắc đến những lập trình viên máy tính cấp thấp mà Bộ Lao động Mỹ định nghĩa là những người chỉ viết và kiểm tra code để các ứng dụng và phần mềm máy tính hoạt động bình thường.

Anh Sa

Bloomberg

Trở lên trên