MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng bán lẻ: Đóng góp quan trọng cho lợi nhuận NH

13-04-2018 - 19:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Các chuyên gia nhận thấy, Việt Nam đang có cơ hội phát triển vàng, có những điều kiện rất tiềm năng để thúc đẩy lĩnh vực tài chính bán lẻ.

Vũ khí lợi hại của ngân hàng

Niềm vui với kết quả kinh doanh 2017 của nhiều NH tiếp tục lan sang hết quý I/2018 khi rất nhiều nhà băng thông tin lãi tích cực ngay trong quý đầu tiên của năm.

Đơn cử như VIB ước đạt 500 tỷ đồng/mức chỉ tiêu lãi 2.005 tỷ đồng cả năm. TPBank chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2018 lợi nhuận trước thuế gần 276 tỷ đồng, tăng 90,4% so với cùng kỳ 2017. HDBank ước tính luỹ kế quý I khoảng 1.050 tỷ đồng. Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB thì cho biết quý I/2018 MB ước đạt doanh thu 3.500 - 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tối thiểu 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng hơn 44% so với năm 2017...

Tín dụng bán lẻ: Đóng góp quan trọng cho lợi nhuận NH - Ảnh 1.
Tín dụng bán lẻ là giải pháp tài chính giúp cho cá nhân, hộ gia đình, SMEs có đủ nguồn vốn thực hiện nhu cầu của mình

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số NH, lợi nhuận ghi nhận có đóng góp không nhỏ từ việc thúc đẩy mảng bán lẻ khi tăng trưởng tín dụng khối này khá tốt. Phát triển mảng bán lẻ là mục tiêu của không ít NH. Ngay tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, SCB đã công bố kế hoạch phát triển thêm 300.000 khách lẻ trong năm 2018. Cuối năm 2017, lượng khách hàng cá nhân tại nhà băng này đạt hơn 768.000 người, tăng 26% so với cuối năm 2016. MB cũng đang có sự dịch chuyển sang bán lẻ gồm khách hàng cá nhân và nhóm SMEs, nâng tỷ lệ doanh thu từ bán lẻ lên 70% tổng doanh thu NH.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cũng cho biết, chiến lược của SHB là trở thành NH bán lẻ. Cụ thể NH này hướng tới hai mục tiêu là bán lẻ tiêu dùng và bán lẻ trong bán buôn cùng những sản phẩm NH hiện đại, khả năng tư vấn tài chính cá nhân theo chuẩn quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia tài chính cũng thừa nhận không chỉ thời gian này, mà trước đó vài năm rất nhiều NH đã chuyển hướng sang tập trung phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình, DNNVV. Cho vay lĩnh vực này, lãi suất thường cao hơn một chút so với mặt bằng chung, nên lợi nhuận thu về cho nhà băng tất yếu cũng tốt hơn.

Các chuyên gia cũng nhận thấy, Việt Nam đang có cơ hội phát triển vàng, có những điều kiện rất tiềm năng để thúc đẩy lĩnh vực tài chính bán lẻ như: Nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 52%...

Song vấn đề ở đây theo TS. Nguyễn Trí Hiếu là “liệu những khách hàng tiềm năng đó thì khả năng trả nợ của họ có tương xứng không khi mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện còn khá thấp?”.

Còn nhiều rủi ro, thách thức

Bàn sâu thêm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Bán lẻ tại Việt Nam không chỉ có NH cung cấp mà còn có cả sự tham gia của các công ty tài chính. Nhiều NH cũng đã có riêng một công ty tài chính để phục vụ đối tượng tiềm năng này. Thông thường, chúng ta hay nghĩ tín dụng bán lẻ là những món vay nhỏ, rủi ro được phân tán thì không quá quan ngại. Nhưng phải lưu ý rằng, chính điều này lại có thể gây ra nợ xấu.

Trong tín dụng bán lẻ tiêu biểu có tín dụng tiêu dùng. Cho vay tiêu dùng mang lại lợi nhuận ngắn hạn tương đối lớn cho NH, nhưng nếu xét về lâu dài lại là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ở Việt Nam, các NH cho vay dựa nhiều vào thế chấp tài sản như bất động sản, mà gần như không xét tới điểm tín dụng cá nhân như các quốc gia khác.

Không ít quốc gia trên thế giới, cá nhân đi vay không trả được nợ có thể phải hầu toà. Điểm xếp hạng tín dụng cá nhân thường dựa vào một số yếu tố như: thu nhập, thay đổi chỗ làm việc bao nhiêu lần, lịch sử trả nợ... đều được cập nhật thường xuyên. Nắm được thông tin tương đối chính xác về tình hình tài chính, công ăn việc làm của mỗi cá nhân từ đó đưa ra điểm tín dụng phù hợp giúp NH thuận lợi hơn trong quyết định cho vay của mình. CIC cũng đã có những thông tin về khách hàng vay NH nhưng còn tương đối hạn chế, nên chưa hoàn thiện được bảng xếp hạng tín dụng cá nhân.

Đồng tình với ông Hiếu, một chuyên gia kinh tế khác cũng chỉ ra rằng mỗi NH đều có những chính sách riêng, song chủ yếu NH hiện cho vay vẫn dựa nhiều vào cầm cố tài sản thế chấp. Mà rủi ro của tài sản thế chấp lại phụ thuộc khá nhiều vào thị trường khi gặp biến động.

“Phải nhớ rằng thế chấp không liên quan tới khả năng trả nợ. Một khách hàng cá nhân đi vay NH có thể có tài sản thế chấp rất lớn, cũng không đồng nghĩa với việc họ có đảm bảo được việc hoàn trả hay không. Trả nợ phải dựa vào thu nhập hoặc từ các nguồn kinh doanh khác, chứ không nằm ở tài sản thế chấp”. Nên có không ít trường hợp khi khách hàng mất khả năng trả nợ, NH chấp nhận thu hồi tài sản nhưng khi đó nếu giá trị tài sản không thực, bị khai khống hay thị trường giảm giá NH sẽ rơi vào tình trạng nợ xấu nhanh chóng, đó là chưa kể những trường hợp được chấp thuận vay tín chấp.

Ở một khía cạnh khác, triển khai hiệu quả mục tiêu NH bán lẻ đòi hỏi rất nhiều về đầu tư công nghệ, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động với mục tiêu đón đầu xu hướng CMCN 4.0, mang tới cho khách hàng các sản phẩm tiện ích hiện đại, nhiều kênh giao dịch thuận tiện, an toàn ứng dụng CNTT như internet banking, SMS banking... phục vụ nhu cầu giao dịch 24/7. Nhất là khi hiện nay thị trường còn đón chào một vị khách mới là các công ty Fintech - loại hình kinh doanh dịch vụ tài chính không truyền thống.

Nói đơn giản, NH là trung gian tài chính kết nối giữa người có tiền với người đi vay. Còn Fintech là những công ty sử dụng nền tảng công nghệ kết nối được người có tiền với người đi vay mà không cần thông qua hệ thống NH. Fintech có thể hợp tác với NH, hoặc hoạt động một cách độc lập. Một mô hình mới tại Việt Nam, tất yếu sẽ có những rủi ro chưa thể xác định được.

“Lấy đơn cử như việc trung gian giữa người có tiền và người đi vay, trước đây đều có NH xem xét hồ sơ tín dụng. Nếu NH hợp tác với Fintech, các công ty này giới thiệu người vay vốn cho NH thì sẽ phải xét tiêu chuẩn người sử dụng vốn đó ra sao, đây là điều phải lưu ý. Chính vì chưa rõ ràng, nên NHNN cũng đang trong quá trình rốt ráo để xác định, thẩm định mô hình này và đưa ra những khung khổ pháp lý phù hợp để quản lý”, chuyên gia chia sẻ.

Một chuyên gia tài chính cho biết, không chỉ thời gian này, mà trước đó vài năm rất nhiều NH đã chuyển hướng sang tập trung phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình, DNNVV. Cho vay lĩnh vực này, lãi suất thường cao hơn một chút so với mặt bằng chung, nên lợi nhuận thu về cho nhà băng tất yếu cũng tốt hơn.

Theo Minh Khuê

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên