MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng cả năm nay sẽ thấp hơn mục tiêu 14%?

07-10-2019 - 07:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Trong khi đó, kết quả tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 8,64%, còn cách rất xa định hướng 14% cả năm, và cũng là mức thấp nhất cùng kỳ trong 5 năm trở lại đây.

Theo khảo sát mới đây của NHNN cho thấy các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm kỳ vọng tăng trưởng huy động và tín dụng trong thời gian tới. 

Cụ thể, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong Quý IV/2019 và tăng 13,06% trong năm 2019, điều chỉnh giảm 0,42% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (nhưng vẫn cao hơn mức tăng thực tế 12,45% của năm 2018).

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong Quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, đã điều chỉnh giảm 0,72% so với mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước (thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018). 

Các TCTD cũng liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống còn 13,61% (tháng 9/2019), gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019. 

Trong khi đó, theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng và cả huy động trong 9 tháng đầu năm đang có phần chậm lại, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cụ thể, tại cuộc họp báo kết quả hoạt động quý 3 hồi đầu tuần, Vụ chính sách tiền tệ cho biết, đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/9/2019 đạt 8,64% so với cuối năm 2018. Năm 2019, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với thực tế. 

Có thể thấy, so với định hướng cả năm, tăng trưởng tín dụng 9 tháng còn có khoảng cách khá xa. Mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cũng thấp hơn khá nhiều so với năm ngoái (9,52%), và cũng là mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay, khi mà từ năm 2015-2017 đều từ 10-11%. 

Được biết, hồi đầu năm, hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN giao cho các ngân hàng thương mại chỉ phổ biến dưới 13%. Tuy nhiên, đến giữa năm, một số ngân hàng sớm đáp ứng Thông tư 41 quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II cũng đã được "nới room", song mức nới không nhiều. 

Cụ thể, NHNN đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 cho Ngân hàng Á châu (ACB) từ 13% lên 17%, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ 12% lên 16%, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) từ 13% lên 17%, Ngân hàng Quân đội (MBBank) từ 13% lên 17%. 

Trong khi đó, BIDV, VietinBank  - 2 ngân hàng đang có thị phần cho vay gần 25%, có tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với mặt bằng chung. Đặc biệt là VietinBank chỉ tăng 2,4% trong 6 tháng và chỉ được phép tăng 6-7% trong năm nay. Việc tín dụng ở 2 ngân hàng lớn này chậm lại chắc chắn sẽ có tác động chung tới toàn ngành. 

Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên sôi động trong thời gian gần đây đã giúp các doanh nghiệp giảm bớt được sự phụ thuộc vào nguồn vốn của các nhà băng. Theo ước tính của SSI, trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng lượng chào bán trái phiếu là 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%, quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại, điều tích cực là GDP 9 tháng đầu năm vẫn đạt mức cao nhất trong 9 năm qua, cho thấy tăng trưởng nền kinh tế hiện nay đã bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng so với thời gian trước. 

Việc tín dụng tăng chậm lại sẽ ảnh hưởng phần nào tới tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng. Song ở thời điểm này, việc kìm lại đà tăng trưởng cho vay là điều cần thiết khi một số ngân hàng sẽ phải áp dụng hệ số an toàn vốn theo chuẩn mới từ đầu năm 2020. 

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên