MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 nhà thầu tư nhân trúng Dự án BOT hơn 14.600 tỷ đồng là ai?

Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt quy mô dự án và phân kỳ đầu tư Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 14.678 tỷ đồng theo hình thực hợp đồng BOT.

Tóm tắt:

-Dự án BOT Trung Lương -Mỹ Thuận là dự án giao thông lớn có tổng mức đầu tư 28.000 tỷ. Bộ GTVT đã phê duyệt phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 14.678 tỷ, nhà đầu tư trúng thầu là 6 nhà đầu tư tư nhân gồm Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - CII B&R.

-Những công ty này đều có thế mạnh về xây dựng cầu đường, đã và đang triển khai nhiều dự án lớn trên cả nước.


Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương –Mỹ Thuận là một trong những công trình quy mô lớn tại khu vực phía Nam. Năm 2009, Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) được giao làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư lên đến 28.000 tỷ đồng với quy mô 4 làn đường.

Tuy nhiên, giai đoạn 2010-2012 do ảnh hưởng của việc khủng hoảng kinh tế, Chính phủ có chủ trương cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên những có quy mô lớn như dự án BOT gặp nhiều khó khăn về vốn. Sau đó Chính phủ đã chấp thuận chuyển giao dự án này về Bộ GTVT.

Cho đến tháng 10 năm 2014, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt quy mô dự án và phân kỳ đầu tư Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 14.678 tỷ đồng theo hình thực hợp đồng BOT.

Bản đồ đường Cao tốc Trung Lương -Mỹ Thuận

Nhà đầu tư trúng thầu Dự án này là liên danh Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - CII B&R.

>>>6 nhà thầu tư nhân trúng dự án BOT 14,6 nghìn tỷ đồng

Trong liên danh này, Công ty CP Xây dựng Tuấn Lộc là thành viên đứng đầu liên danh. Dù mới được thành lập vào năm 2005 nhưng Tuấn Lộc đã và đang triển khai khá nhiều dự án lớn.

Ngoài dự án BOT Trung Lương –Mỹ Thuận giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư lên tới 14,6 nghìn tỷ đồng thì Tuấn Lộc còn tham gia đầu tư nhiều dự án khác. Tuấn Lộc thực hiện nhiều dự án cầu đường lớn như cầu Sài Gòn 2, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…

Đáng chú ý là Tuấn Lộc còn liên danh với nhiều doanh nghiệp trong ngành giao thông triển khai nhiều dự án lớn như Cienco 4 triển khai Dự án Cao tốc Quốc lộ 3, Thái Nguyên - Bắc Cạn; ông Trần Tuấn Lộc, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc hiện là Phó chủ tịch HĐQT Cienco4.

>>>Chiến lược mới của các CIENCO: Làn sóng vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông?

Bên cạnh đó, Tuấn Lộc cũng đã cùng với các đối tác góp vốn vào thành lập Công ty Cổ phần Cấp nước Sài Gòn – Pleiku, để đầu tư sản xuất nước sạch. Dự án xây dựng mới hệ thống cấp nước tại xã Biển Hồ, công suất giai đoạn đầu là 30.000 m3/ngày, giai đoạn đến năm 2020 là 40.000 m3/ngày, tổng vốn đầu tư trên 231,5 tỷ đồng.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh có trụ sở tại 35-37 Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh , là công ty xây dựng đã tham gia nhiều dự án lớn. Trong đó, Yên Khánh đã hợp tác cũng Cienco 1 để đầu tư xây dựng dự án cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng.

Ngoài ra, Yên Khánh còn tham gia đầu tư vào Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 20 tại Lâm Đồng khi liên doanh với một số công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng. Dự án có tổng mức đầu tư 4.111 tỷ đồng, được khởi công vào năm 2013, dự kiến hoàn thành vào cuối 2015. Bên cạnh đó, Yên Khánh cũng là đơn vị được quyền thu phí tại 4 trạm trên tuyến đường cao tốc Tp.HCM –Trung Lương giai đoạn 1.

Công ty CP Cầu đường CII (CII B&R) do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM nắm giữ cổ phần chi phối lên tới 86,7%, CII B&R được đổi tên từ Công ty CP cơ khí Điện Lữ Gia kể từ 18/8/2014. Mục đích ra đời của CII B&R nhằm triển khai các dự án hạ tầng giao thông, cầu đường của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM.

Tiền thân của Công ty CP cơ khí điện Lữ Gia là Công ty CP cơ khí Lữ Gia- một doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1978, sau đó được cổ phần hóa vào năm 1999. Đến năm 2006 Công ty CP cơ khí điện Lữ Gia được niêm yết trên sàn chứng khoán với mã LGC, đến nay công ty này có vốn điều lệ trên 728 tỷ đồng.

Ngoài dự án liên danh này, CII B&R còn đang thực hiện nhiều dự án lớn khác như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội trị giá 2.268 tỷ theo hình thức BOT.

Công ty CP Đầu tư xây dựng BMT hoạt động chính là nhà cung cấp bê tông nhựa nóng. Đến nay BMT đã cung cấp ra thị trường trên 2,5 triệu tấn bê tông sau hơn 20 năm thành lập và phát triển. Hiện tại BMT đang sở hữu 3 trạm bê tông công suất lớn gồm trạm Dĩ An công suất 300 tấn/giờ, đủ khả năng cung cấp cho các công trình lớn nhất, trạm Bến Lức công suất 270 tấn/giờ, trạm Dầu Giây công suất 180 tấn/giờ, cung cấp bê tông nhựa cho khu vực Đông Nam bộ.

Với 2 nhà đầu tư còn lại là Công ty CP Hoàng An và Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi chưa có mấy tên tuổi trên thị trường. Trong đó, Thắng Lợi được biết đến là công ty xây dựng có trụ sở tại thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định. Công ty này cùng Công ty Tuấn Lộc là nhà thầu dự án cầu Long Bình (An Giang), triển khai dự án cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang,…

Gia Bảo

Kiều Thuật

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên