MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia lý giải cảnh 'chùa Bà Đanh' của Tràng Tiền Plaza

Sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động, TTTM Tràng Tiền Plaza với một diện mạo mới, đẳng cấp mới. Tuy nhiên, khách hàng lại ngày càng thưa thớt và họ đến với mục đích tham quan hơn là mua hàng.

Được khôi phục lại từ công trình “Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền” có giá trị lịch sử và truyền thống của Thủ đô, sau hơn 2 năm tu sửa, ngày 6/4 vừa qua, TTTM Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza) khai trương với diện mạo hoàn toàn mới, sang trọng, lộng lẫy...

Với sự có mặt của các thương hiệu lớn trong top 10 thương hiệu hàng đầu của thế giới như: Louis Vuitton, Kenzo, Christian Dior, Cartier, Rolex… Tràng Tiền Plaza được xem là TTTM cao cấp bậc nhất Hà Nội, sánh ngang tầm các trung tâm mua sắm lớn trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi khai trương, TTTM Tràng Tiền Plaza ngày càng vắng khách. Theo ghi nhận vào các buổi chiều tối cuối tuần, lượng khách đến đây thưa thớt. Tại nhiều gian hàng của các thương hiệu lớn, nhân viên rất chỉn chu lịch sự ra tận cửa mời chào khách vào tham quan nhưng cũng chẳng có mấy khách vào. Thậm chí, nhiều gian hàng còn treo biển giảm giá tới 50% nhưng giải pháp này cũng không mấy hiệu quả.

Thậm chí, không ít khách hàng đến Tràng Tiền Plaza với tâm lý "xem nhiều hơn mua". Theo ông Vũ Vinh Phú - chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, bộ mặt ngày nay của Tràng Tiền Plaza đẹp và hoành tráng hơn trước đây nhưng đi cùng với đó dường như các “thượng đế” không mặn mà với Tràng Tiền Plaza, điều này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất tuy Tràng Tiền Plaza được xây dựng mới to đẹp nhưng đối tượng phục vụ là khách hàng cao cấp, người tiêu dùng có điều kiện kinh tế cao, trong khi trước đó đây là Cửa hàng bách hóa tổng hợp, một minh chứng cho thương mại Hà Nội quen thuộc với người dân thủ đô, ai muốn mua bán có thể ra vào thỏa mái khiến tâm lý khách hàng nhất là người sống và làm việc lâu năm ở Thủ đô cảm thấy chạnh lòng, nuối tiếc.

“Người tiêu dùng cảm thấy bị phân biệt đối xử. Nhất là những người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp, họ không dám bước chân vào TTTM này. Theo tôi nhà đầu tư đừng phân biệt đối xử với khách hàng là người thu nhập thấp trung bình, thấp... nếu để lâm vào tình trạng “lãnh đạm” với người tiêu dùng phân khúc trung bình và thấp là rất nguy hiểm” – ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Thứ hai giữa lúc nền kinh tế còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động các siêu thị thì việc xác định lựa chọn đối tượng phục vụ phân khúc cao cấp cạnh tranh với Rex, Parkson, Diamond, Vincom… là hướng đi khó vì vậy việc Tràng Tiền Plaza vắng khách là điều dễ hiểu.

“Theo tôi được biết, Tràng Tiền Plaza cũng bán được hàng chứ không phải không nhưng sẽ không sầm uất như các siêu thị cao cấp khác” – ông Phú nói.

Việc Tràng Tiền Plaza tuy có điều kiện vị trí thuận lợi nhưng lượng khách hàng đến siêu thị này không đông sẽ ảnh hưởng đến tâm lý “đám đông” của người tiêu dùng. Ông Phú cho biết, với một siêu thị việc khách hàng đến không chỉ để mua sản phẩm mà còn thăm quan, so sánh giá mẫu mã và cũng để đánh giá chất lượng phục vụ…

“Việc xác định phục vụ khách hàng có điều kiện mua hàng còn khách thăm quan không được chào đón là sai lầm vì việc mua và tham quan là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Người ta sẽ không mua nhưng nếu anh bán hàng tốt giá cao nhưng sản phẩm chất lượng dịch vụ tốt người ta sẽ quảng cáo giới thiệu cho anh”, ông Phú phân tích.

Nhận định về tình hình tại trung tâm mua sắm này ông Phú cho biết thêm, nếu kéo dài tình trạng vắng khách sẽ khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi cũng như những nghi ngại, cùng với tâm lý đám đông sẽ khiến khách hàng quay lưng với Tràng Tiền Plaza.

Tại Hà Nội, trước đó, TTTM tại Dự án Grand Plaza từng phải đóng cửa bởi vắng khách, TTTM Chợ Hàng Da cũng đóng cửa để sửa chữa, nâng cấp sau 3 năm đi vào hoạt động…

Theo Linh Ngân

ngatt

Người Đưa Tin

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên