MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Dự án tỷ đô” treo trên nguy cơ tái nghèo của người dân

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu tỉnh Quảng Ngãi có quá “ưu ái” cho dự án Nhà máy thép Guang Lian - Dung Quất nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Trái ngược với quyết sách mạnh tay đối với 12 dự án bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do chậm tiến độ thì một “siêu” dự án khác có số vốn đầu tư dự kiến lên đến 4,5 tỷ USD, thu hồi hơn 300 ha đất của người dân, chậm triển khai đến 6 năm, nhưng đến nay vẫn được tỉnh Quảng Ngãi “ưu ái” tạo mọi điều kiện để “giữ đất”.

Những ưu ái đến ngờ vực

Cách đây vài ngày, tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định “mạnh tay” khi thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của 12 dự án đầu tư trên địa bàn. Hầu hết những dự án này đều thực hiện chậm tiến độ hoặc không thực hiện đúng cam kết, nhiều diện tích đền bù của người dân bị bỏ hoang, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Dự án treo, bịt cả lối đi của dân và thành nơi chăn thả bò
Dự án treo, bịt cả lối đi của dân và thành nơi chăn thả bò.

Còn dự án chính được hưởng ưu ái là dự án Nhà máy thép Guang Lian - Dung Quất (phiên âm: Quảng Liên, gọi tắt Cty Quảng Liên) nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu tỉnh Quảng Ngãi có quá “ưu ái” doanh nghiệp ngoại?.

6 năm sau lễ động thổ hoành tráng và 5 lần điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, dự án tỷ đô này vẫn chỉ là bãi đất trống, nhấp nhô cọc bê-tông, xa xa hàng trăm con bò nhởn nhơ gặm cỏ.

Qua nhiều lần điều chỉnh thiết kế, công suất, diện tích của “siêu” dự án thép này đã lên tới 700ha. Những hạng mục đầu tiên được thi công là tường bao quanh dự án được dựng lên “chặn” các ngả đường dân sinh của người dân.

Không những vậy, tỉnh Quảng Ngãi còn “ưu ái” dự án này như đứa “con cưng” của tỉnh, khi doanh nghiệp này đề xuất cho toàn quyền sử dụng con đường Dốc Sỏi – Dung Quất (con đường chính dẫn ra cảng) lãnh đạo tỉnh cũng nhanh chóng gật đầu.

Chưa hết, tỉnh Quảng Ngãi đã “nhanh chóng” làm một con đường mới bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh “bắt” người dân đi vòng gần 4km, tạo mọi điều kiện cho Quảng Liên hoạt động.

“Thu hồi hàng trăm ha đất nông nghiệp của dân, giờ bỏ hoang, nhà máy chưa triển khai nhưng xây tường bê-tông bít cả lối đi của dân. Không những thế, nhà đầu tư còn đào mương nước cạnh đó, mùa mưa làm ngập cả ruộng của dân, các cháu đi học khổ lắm”, bà Trần Thị Thủy, thôn Tân Hy, xã Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết.

Ai là người chịu trách nhiệm?

Dự án Nhà máy thép Guang Lian - Dung Quất là dự án hạng A, đồng nghĩa với việc tỉnh Quảng Ngãi phải bỏ tiền ngân sách ra để giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Hi vọng một nhà máy thép đi vào hoạt động tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhưng sau 6 năm không triển khai, dự án treo khiến hàng trăm hộ dân tại xã Bình Đông không có đất sản xuất, cuộc sống bị đảo lộn.

Hằng trăm ha đất nông nghiệp thu hồi của dân, hàng năm trời dự án chỉ lổn nhổn những cọc bê tông thế này
Hằng trăm ha đất nông nghiệp thu hồi của dân, hàng năm trời dự án chỉ lổn nhổn những cọc bê tông thế này.

“Từ khi dự án nhà máy thép Quảng Liên đầu tư đến nay người dân chưa được lợi cái gì. Cử tri phản ánh rằng, thu hồi đất của dân từ 2007 đến nay tại sao dự án không làm, dân mất đất sản xuất, chúng tôi rất khó nói với bà con”, ông Phạm Đình Chí, Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lo lắng.

“Diện tích đất mà xã Bình Sơn phải giao cho Quảng Liên năm 2007 là 220 ha, chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Không có đất sản xuất, nguy cơ tái nghèo đến năm 2015 của người dân là rất cao. Trong quá trình thi công, Cty Quảng Liên không tạo dòng chảy làm ngập cục bộ vào mùa mưa ở thôn Tân Hy, con em trong thôn đi học phải lội qua ngập tới rốn”, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó chủ tịch UBND xã Bình Đông bức xúc.

Hiện nay một trong những điều kiện để JFE hợp tác đầu tư, triển khai dự án với Quảng Liên là phải có được 23 ha đất của Cty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi, nếu không có 23 ha đất này thì dự án thép mở rộng không thể hình thành được.

Một bài toán đặt ra, nếu Quảng Liên có được 23ha đất của Cty Hào Hưng liệu dự án có khả thi. “Không ai dám chắc 100% là khả thi và phải có độ rủi ro. Đến nay, chúng tôi không tin tưởng vào Quảng Liên. Dự án này giờ muốn dừng cũng không được, triển khai tiếp thì khó khăn. Tính pháp lý mới nhất của dự án là điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lên 4,5 tỷ USD vẫn chưa hoàn thành”, ông Lê Xuân Dũng – Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất trăn trở.

Thu hồi đất của doanh nghiệp khác để giao cho một dự án treo gần 6 năm, dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu rằng đến tháng 7/2014 JFE và Quảng Liên có tiếp tục đầu tư, nếu không đầu tư thì sao?.

Liệu UBND tỉnh Quảng Ngãi có “kiên quyết” thu hồi giấy phép đầu tư của Quảng Liên như đã thu hồi của 12 doanh nghiệp trong nước. Khi đó ai, cơ quan nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm về dự án này?.

Hiệp hội Thép Việt Nam và Bộ GTVT từng rất nhiều lần phản đối Dự án Nhà máy thép Quảng Liên bởi sự yếu kém về năng lực của nhà đầu tư cũng như tính không khả thi của dự án khi ngay tại khu vực Đông Nam Á có tới 3 nhà máy thép “khủng” khác cùng SX ra sản phẩm thép như dự kiến của Quảng Liên nên đầu ra thấy rõ sẽ bị dư thừa.

Theo Doanh Thương

ngatt

Pháp Luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên