MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên: Vốn không thiếu, dự án vẫn chậm

So với cam kết ban đầu, các nhà thầu chỉ thi công đạt được khoảng 60%. Khối lượng công việc toàn dự án tính từ khi khởi công cũng chỉ đạt 26- 28%.

Là dự án hội tụ nhiều thuận lợi bởi đây là tuyến cao tốc trọng điểm, mặt bằng không còn vướng nhiều, sử dụng nguồn vốn ODA nên không bị thiếu tiền, mặc dù Bộ GTVT, Ban QLDA 2 đã tích cực đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, nhưng tiến độ dự án vẫn chưa đạt yêu cầu.

Chưa đáp ứng kỳ vọng

Trong lúc hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn trong nước bị đình hoãn, giãn tiến độ hoặc vốn được cấp rất nhỏ giọt, thì việc đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên không bị ảnh hưởng về vốn được coi là một lợi thế không nhỏ. Bộ GTVT đặt rất nhiều kỳ vọng vào những dự án không thiếu vốn để tăng tốc giải ngân, bù cho những dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ.

Mặt bằng của dự án hiện nay cũng không còn vướng nhiều, bởi từ trước khi cho khởi công, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư và các địa phương phải chuẩn bị khoảng trên 70% là điều kiện không thể tốt hơn để dự án có thể tăng tốc.

Bên cạnh đó còn có thể kể tới việc khi bỏ thầu, các nhà thầu đã tính đến yếu tố trượt giá để bỏ giá hợp lý. Hầu hết các gói thầu đều vượt giá trần, thậm chí có gói vượt tới khoảng 10% nên các nhà thầu có thể yên tâm triển khai, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tuy vậy, cho tới thời điểm hiện nay, dự án vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của Bộ GTVT và các cơ quan chức năng. Kể từ khi gói thầu đầu tiên được khởi công là 24/11/2009 cho đến nay đã được hơn một năm rưỡi, các gói còn lại động thổ vào đầu tháng 2/2010 cũng đã được hơn 1 năm, nhưng khối lượng đạt được vẫn rất thấp.

Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban QLDA 2- đơn vị đại diện chủ đầu tư cho biết, so với cam kết ban đầu, các nhà thầu chỉ thi công đạt được khoảng 60%. Khối lượng công việc toàn dự án tính từ khi khởi công cũng chỉ đạt 26- 28%.

Ông Long cho biết thêm, hầu hết các nhà thầu đều là những tổng công ty xây lắp lớn, có kinh nghiệm và trong thời gian qua cũng có khó khăn về thời tiết, một số đoạn còn thiếu mặt bằng nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị này chưa thực sự dồn sức, dồn lực để sát cánh cùng chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.

Hơn nữa, năng lực tài chính của một số nhà thầu hạn chế, thời gian qua nhiều dự án giao thông khác gặp khó khăn về vốn nên nguồn lực của các doanh nghiệp bị phân tán. Hầu như với tất cả các gói thầu, Ban QLDA 2 đều đã tạm ứng từ 20- 30% nhưng khối lượng đạt được chưa tương xứng.

Nhà thầu kêu khó

Do là dự án trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh phía Bắc, mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các cơ quan chức năng và các đơn vị trực tiếp tham gia xây dựng cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường.

Theo Phó Thủ tướng, Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là dự án ODA cấp bách, cần ưu tiên cả về vốn cũng như cơ chế triển khai. Chính vì vậy, các bộ, ngành liên quan cân đối vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách để ưu tiên, dồn vốn, dồn sức cho dự án. Các nhà thầu tranh thủ thời gian trước mùa mưa, dồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo mục tiêu đưa dự án vào khai thác trong năm 2013.

Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, lãnh đạo một số nhà thầu cho biết, thời gian tới đây các đơn vị sẽ nỗ lực tập trung tối đa lực lượng đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án đúng kế hoạch. Tuy nhiên, hiện tại các nhà thầu tại dự án cũng gặp nhiều yếu tố bất lợi, trong đó đặc biệt là vấn đề trượt giá.

Ông Phan Quốc Hiếu, Tổng giám đốc Tổng Công ty XD Thăng Long cho rằng, dù các gói thầu được bỏ giá khá cao, nhưng chỉ là cao so với thời điểm bỏ thầu cách đây 2 năm. Còn hiện nay giá của hầu hết các loại vật liệu chính đều tăng gấp 2- 3 lần. Chẳng hạn như thép bỏ thầu 12.000 đồng/kg, nhưng nay đã tăng lên 18.000 - 20.000 đồng/kg. Tương tự như vậy là cát, đất, xăng dầu cũng lên cao hơn nhiều so với thời điểm đó.

“Theo tính toán, với giá hiện tại, nhà thầu làm được một đồng thì phải chi ra tới một đồng rưỡi, gần như chưa làm đã thấy lỗ. Trong thời gian qua, không có chuyện các đơn vị của Tổng Công ty XD Thăng Long lấy tiền tạm ứng của Dự án đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên đi thi công các dự án khác, vì Tổng công ty đã kiểm soát dòng vốn bảo đảm đến đúng công trình, tuy nhiên do trượt giá nên khối lượng đạt được tại dự án thấp so với ban đầu”- ông Hiếu khẳng định.

Dự án đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên có chiều dài toàn tuyến khoảng 62km, vận tốc trung bình được thiết kế 100km/h. Điểm đầu tuyến giao với QL1A mới phía Bắc cầu Phù Đổng (nằm trên đường vành đai III Hà Nội), điểm cuối được nối vào điểm đầu của tuyến tránh TP Thái Nguyên. Tuyến đường được xây mới và hoàn toàn độc lập với QL3 hiện nay, đi qua địa bàn các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội); Tiên Sơn, Yên Phong (Bắc Ninh); Phổ Yên, Phú Bình (Thái Nguyên)

Theo Đức Thắng

GTVT

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên