MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Keangnam im lặng khi Sở Xây dựng yêu cầu mở thang máy

Khi được yêu cầu phải mở toàn bộ thang máy, Chủ tịch tòa nhà cao nhất Việt Nam chỉ ngồi im lặng. Về phí dịch vụ 10.000 đồng cư dân đề xuất, Keangnam Vina xin khất "phải suy nghĩ thêm".

Tại cuộc họp về giá thành dịch vụ ở Keangnam ngày 11/1, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà Keangnam Landmark Tower (Phạm Hùng - Cầu Giấy) phải mở tất cả các thang máy phục vụ cho cư dân. Ông Tuấn giải thích, thiết kế của tòa nhà cao nhất Việt Nam đã được Bộ Xây dựng thẩm định với đầy đủ 20 thang máy vận hành. Nếu chủ đầu tư, giảm 50% số thang máy thì sức ép về đi lại sẽ rất lớn. "Chủ đầu tư không được dùng việc cắt thang máy để gây sức ép với cư dân", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cũng cho biết, việc cấp bách trước mắt là chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị chung cư để thành lập ban quản trị. Đại diện Bộ Xây dựng và Sở Tài chính cũng cho thẳng thắn, theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, chủ đầu tư phải bảo đảm điện nước, thang máy cho cư dân.

Bác lại quan điểm này, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina giải trình, vận hành thang máy rất tốn điện. Với mức phí 4.000 đồng mỗi m2 dịch vụ, chủ đầu tư không thể có lãi để trả lương nhân viên. Tính từ thời điểm tháng 3 đến hết năm 2011, công ty đã lỗ hơn 10 tỷ đồng. "Chúng tôi chỉ mở tất cả thang máy vào giờ cao điểm để tiết kiệm", ông Ha nói.

Cũng theo lãnh đạo Keangnam, nếu không thanh toán khoản phí dịch vụ thì người dân sẽ không được cung ứng các tiện ích tương đương. Do đó, ông Ha Jong Suk đưa ra 2 phương án. Gói dịch vụ mở rộng, dùng cho các hộ dân đóng phí ở mức 18.843 đồng đã bao gồm VAT. Gói thiết yếu với giá 4.000 đồng mỗi m2, đúng bằng mức giá trần do UBND thành phố quy định. "Đối với các hộ dân không đóng phí, công ty sẽ cắt dịch vụ theo đúng quy định của hợp đồng mua bán", ông Ha nói.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, trách nhiệm của chủ đầu tư là cần phải mở thang máy cho toàn bộ cư dân đúng như yêu cầu của Hà Nội. Bất luận là áp dụng gói dịch vụ nào, chủ đầu tư cũng phải ngồi lại thương thảo với cư dân.

Ảnh: Hoàng Lan
Ban đại diện thay mặt cho hơn 400 cư dân. Ảnh: Hoàng Lan.

Bà Trịnh Thúy Mai, đại diện cho hơn 400 cư dân bức xúc, nếu chủ đầu tư thiếu tiền, cư dẫn sẵn sàng đóng tiền điện để Keangnam Vina có đủ chi phí vận hành thang máy. Bà Mai cho biết, cư dân sẵn sàng đóng phí 10.000 đồng, thay vì 4.000 đồng mỗi m2 một tháng chỉ để được cung cấp các dịch vụ đúng như Quyết định 452. Bà Mai thẳng thắn, mục đích của cư dân Keangnam không phải là đấu tranh để đạt mức phí quản lý 4.000 đồng mỗi m2 một tháng mà mong muốn có dịch vụ chất lượng cao đi đôi với một mức phí tương xứng trên cơ sở minh bạch và thỏa thuận giữa các bên.

"Chúng tôi không kỳ vọng có được dịch vụ như ở khách sạn 5 sao, chỉ yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ các dịch vụ như quy định của thành phố. Chủ đầu tư nói lỗ phải có chứng cứ cụ thể", bà Mai nhấn mạnh.

Theo bà Mai, vấn đề cần kíp nhất là chủ đầu tư cần phải mở toàn bộ thang máy. Đại diện cư dân cho rằng, thang máy thuộc quyền sở hữu chung. Việc chủ đầu tư cắt thang máy là vi phạm quyền sỡ hữu của cư dân.

Ảnh: Hoàng Lan
Ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina. Ảnh: Hoàng Lan.

Cuộc họp bàn kéo dài suốt gần 4 tiếng đồng hồ, song hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong cuộc họp, lãnh đạo Sở Xây dựng nhiều lần phải trấn tĩnh cả hai bên. "Trước mắt, chủ đầu tư và cư dân nên họp lại đưa ra một mức phí tạm tính, sau đó sẽ kiểm toán, tính lại", ông Tuấn nói.

Trước chỉ thị mở thang máy của Sở Xây dựng, ông Ha Jong Suk chỉ ngồi im lặng. Về phí dịch vụ, lãnh đạo Keangnam xin khất đến ngày mai mới họp bàn. khẳng định: "Tôi nghe và đã hiểu. Nếu cư dân đề xuất phí dịch vụ 10.000 đồng, chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận mà cần phải suy nghĩ. Ngày mai chúng tôi sẽ họp bàn với cư dân", ông Ha nói.

Theo Hoàng Lan

Vnexpress

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên